Chặn lỗ hổng trong thi cử

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/7, trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị về tiêu cực nâng điểm thi cao bất thường không chỉ ở Hà Giang, mà còn tại Sơn La và Lạng Sơn, GS.VS Đào Trọng Thi – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định: Bộ GD&ĐT đã áp dụng phương pháp thi mới không đầy đủ nên tạo ra lỗ hổng để kẻ gian lợi dụng.

 GS.VS Đào Trọng Thi – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
Sau Hà Giang, Bộ GD&ĐT tiếp tục thanh tra những địa phương khác có điểm thi bất thường, theo ông, ngành GD&ĐT phải làm gì để chấn chỉnh vấn nạn này?
- Trắc nghiệm là hình thức thi mới được Bộ GD&ĐT áp dụng kinh nghiệm nước ngoài và Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Tuy nhiên, Bộ lại không áp dụng đầy đủ và triệt để, vì thế cần nghiên cứu kỹ, trong trường hợp không thực hiện đầy đủ hình thức thi này thì phải có biện pháp bổ sung, không tạo ra lỗ hổng cho kẻ gian lợi dụng.

Với hình thức thi trắc nghiệm ở các nước, thí sinh (TS) ngồi làm bài thi trên máy tính, máy sẽ tự động cấu tạo đề ngẫu nhiên từ ngân hàng câu hỏi. Khi TS làm bài xong, kết thúc thi là có điểm luôn. Như vậy, khâu coi thi và chấm thi hoàn toàn được kiểm soát và chắc chắn tiêu cực không xảy ra. Còn ở ta, Bộ GD&ĐT áp dụng thi trắc nghiệm, nhưng mới chỉ làm được vài chục mã đề thi, đề thi không phải ngẫu nhiên.

Thứ hai, vì TS thi bài trắc nghiệm trên giấy, thi xong, giám thị vẫn thu bài, rồi chuyển về hội đồng chấm thi – đó là cả thời gian rất dài, có thể can thiệp vào. Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu, khắc phục lỗ hổng này, nếu chưa thực hiện thi trắc nghiệm trên máy tính như nước ngoài. Bên cạnh đó, sớm áp dụng triệt để thi trên máy tính tạo khách quan, minh bạch.
 Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển từ 20/7. Ảnh: Oanh Trần 
Nhiều người đề nghị Bộ GD&ĐT nên rà soát hết kết quả điểm thi THPT quốc gia của các địa phương khác, thưa ông?

- Theo quy chế thi, khi có yêu cầu về khiếu nại, tố cáo, phúc khảo thì thực hiện, còn không, không có nguyên cớ gì lại mang ra chấm lại. Đấy là chưa nói, nếu cho chấm lại một cách tùy tiện lại trở thành tiêu cực. Như ở Hà Giang, lúc đầu Bộ GD&ĐT chấm lại để xem có vấn đề gì không, khi thấy kết quả sai lệch quá lớn thì quyết định lấy điểm chấm mới thay cho điểm cũ.

Một nguyên nhân dẫn đến tiêu cực thi cử là phụ huynh "chạy" điểm, hiện nay chưa công bố kết luận về vụ việc này, nhưng nếu phát hiện phụ huynh "chạy" điểm, sẽ xử lý thế nào?

- Người ta mong con có điểm cao là tốt, nhưng họ phải giúp con học tập tốt, chuẩn bị thi tốt, bồi dưỡng phụ đạo một cách nghiêm túc, chứ không phải bằng tiêu cực, sửa điểm, đó là vi phạm pháp luật. Theo tôi, những người chạy điểm cho con đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, nếu phát hiện ra phải xử lý nghiêm, theo khung Luật Hình sự. Những người có chức có quyền chạy điểm cho con thì vi phạm càng nghiêm trọng hơn và tội nặng hơn, vì như vậy, họ đã dùng quyền lực để chi phối các công việc theo hướng trái pháp luật.

Theo ông, phương án thi trên máy tính như ĐHQGHN đã từng thực hiện liệu có nên áp dụng cho kỳ thi THPT quốc gia 2019?

- Về lâu dài, nên nhanh chóng tiến tới cách thi trắc nghiệm trên máy tính. Đây chính là kinh nghiệm quốc tế đang được các nước thực hiện, tránh được tiêu cực. Tất nhiên, với điều kiện của chúng ta, việc tổ chức thi trên máy tính trên toàn quốc thì hơi khó. Nhưng về lâu dài, từng trường thì hoàn toàn có thể làm được. Ví dụ, khi không phải TS thi đồng thời một giờ nhất định, mà thi các giờ khác nhau. Vấn đề quan trọng nhất là tập trung làm sao cho ngân hàng câu hỏi có chất lượng và chuẩn hóa. Ngân hàng câu hỏi ấy phải hoàn thiện dần từng năm, bổ sung thêm số câu mới, loại câu hỏi đã lạc hậu.

Việc tổ chức thi được trên máy tính hay không, còn phụ thuộc vào ý chí và quyết tâm của người quyết định kỳ thi này. ĐHQGHN đã quyết tâm làm và làm được. Nếu Bộ GD&ĐT quyết tâm, gắn với công tác chuẩn bị tốt thì sẽ thực hiện được.

Xin cảm ơn ông!