Cán bộ bộ phận một cửa quận Tây Hồ đã làm tốt công tác giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Thanh Hải |
Theo đề án, các quận, huyện, thị ủy, Đảng ủy trực thuộc Thành ủy; các sở, ban, ngành TP Hà Nội thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng; kịp thời phát hiện những bất cập trong công tác quản lý Nhà nước, những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí để làm tốt công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu, vòi vĩnh người dân, DN trong giải quyết công việc trên địa bàn TP Hà Nội. Cùng với tăng cường công tác tuyên truyền, đề án cũng nhấn mạnh việc kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, xử lý các vi phạm. Bảo đảm 100% trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng, lãng phí phải được xử lý trách nhiệm theo đúng quy định. 100% tố cáo về tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, vòi vĩnh người dân, DN trong giải quyết công việc của cán bộ, đảng viên được xem xét, giải quyết theo đúng quy định, nhằm mục đích giáo dục, răn đe, phòng ngừa.
Đồng thời, 100% cơ quan, tổ chức, DN Nhà nước xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử phù hợp với đặc thù của cơ quan, tổ chức, đơn vị. 100% cấp ủy, cơ quan, đơn vị đưa nội dung kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí và phát hiện, xử lý tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, vòi vĩnh người dân, DN trong giải quyết công việc vào chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm để tổ chức thực hiện.
Đề án cũng xác định mục tiêu tăng từ 20% trở lên số cuộc thanh tra một số lĩnh vực có nguy cơ xảy ra tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, vòi vĩnh người dân, DN trong giải quyết công việc như: Đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản; hoạt động xuất - nhập khẩu; thu - chi ngân sách; quản lý tài sản công; công tác cán bộ; cấp giấy phép đầu tư, đăng ký kinh doanh; lĩnh vực hải quan, thuế, quản lý thị trường; quản lý, sử dụng đất đai… 100% kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát về phát hiện, xử lý tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, vòi vĩnh người dân, DN trong giải quyết công việc, kết hợp với phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên được thực hiện; kết quả xử lý sau thanh tra, kiểm tra, giám sát được công khai theo đúng quy định; các vi phạm, thiếu sót phải được khắc phục nghiêm túc, kịp thời.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng; xây dựng văn hóa không “phong bì” để phòng ngừa tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực; tăng cường thực hiện cải cách hành chính, công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ…
Trước đó, để tăng cường công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng như quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, tổ chức cán bộ... UBND TP đã có văn bản số 5120. Trong đó, yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc TP thực hiện Kết luận số 45-KL/TU, ngày 16/9/2019, của Thành ủy về kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình 07-CTr/TU của Thành ủy.
Trong đó, TP cũng đặt ra yêu cầu các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch; đề ra các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng “nhũng nhiễu”; gắn với việc thực hiện cải cách hành chính và công tác cán bộ. Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan kiểm tra, thanh tra; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thu, quản lý, sử dụng phí, lệ phí, quy trình giải quyết thủ tục hành chính để góp phần ngăn ngừa kịp thời phát hiện các hành vi nhũng nhiễu, “tham nhũng vặt” ở cơ sở…