Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chấn thương thể thao: Cần điều trị kịp thời, không nên chủ quan

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, rất nhiều kỹ thuật cao trong phẫu thuật nội soi khớp, cột sống, đặc biệt về mảng y học thể thao luôn được Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đi trước đón đầu, ứng dụng thành công và thực hiện thường quy, giúp nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Tiếp nhận nhiều ca bệnh khó
Mới đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân N.T.A. (93 tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng gãy cổ xương đùi bên phải. Người nhà cho biết, bà A. có tiền sử bệnh lý suy thận mãn, phát hiện cách đây 1 năm và tăng huyết áp 3 năm. Trước đó, bệnh nhân A. bị tai nạn sinh hoạt, gãy cổ xương đùi phải và đã phẫu thuật thay khớp háng phải.
 PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh – Phó Viện trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình, kiêm Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình 1 (Y học thể thao), Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cùng kíp mổ phẫu thuật cho một bệnh nhân.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh – Phó Viện trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình, kiêm Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình 1 (Y học thể thao), Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, các bác sĩ đã thăm khám và cho người bệnh làm đầy đủ các xét nghiệm cần thiết gồm: Xét nghiệm máu, sinh hóa, hội chẩn liên chuyên khoa gây mê hồi sức và tim mạch, phát hiện người bệnh bị block nhánh trái nhưng có thể điều trị bằng thuốc mà không cần can thiệp tim mạch. Do vậy, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật thay bán phần chấn thương khớp háng phải cho bà A. Sau phẫu thuật 1 tuần, người bệnh đã tập luyện tốt và được xuất viện.
Trước đó, bệnh viện cũng đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân L.J.Y. (52 tuổi, đến từ Hàn Quốc). Ông L.J.Y. là Giám đốc một công ty sản xuất đệm tại Thường Tín, Hà Nội. Trong quá trình quản lý và điều phối sản xuất, tay ông bị cuốn vào băng chuyền trong một tai nạn.
Bệnh nhân Y. nhập viện trong tình trạng cơ thể phù nề, xây xát, ấn đau vùng ngực, gãy 1/3 giữa xương cánh tay phải, gãy 1/3 giữa 2 xương cẳng tay phải, liệt thần kinh quay bên phải và gãy xương sườn số 4 bên phải. Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh nhân được cấp cứu kịp thời và được hội chẩn đa chuyên khoa: Tim mạch lồng ngực, gây mê hồi sức và kiểm tra đầy đủ đánh giá cẩn thận trước khi tiến hành phẫu thuật.
Là người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân Y., PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh cho biết, các bác sĩ đã phẫu thuật đặt lại xương, cố định xương cánh tay phải, xương quay, xương trụ phải, kiểm tra thần kinh quay đụng dập cho bệnh nhân. Sau 1 tuần điều trị tích cực, người bệnh đã có thể cầm nắm vận động tốt, phần mềm bớt sưng nề và đã được ra viện.
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, những năm gần đây, Khoa Chấn thương Chỉnh hình 1 (Y học thể thao), Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận khám và điều trị cho khá nhiều trường hợp chấn thương do chơi thể thao, trong đó nhiều nhất ở lứa tuổi từ 20-35 (chiếm tới 70-80%). Các môn thể thao hay gặp chấn thương nhất là: Bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, tennis, những môn đối kháng vật bị chệch khớp vai thậm chí là chạy bộ, đi xe đạp… Chấn thương do thể thao có nhiều mức độ. Nhẹ nhất là sưng nề phần mềm, làm người tập đau, khó chịu. Nặng thì khiến người bệnh đau dai dẳng, kéo dài, có thể giãn dây chằng bên ở quanh khớp, đứt gân, đứt dây chằng chéo trước hoặc chéo sau ở khớp gối, hoặc đứt dây chằng quanh khớp cổ chân.
Không chỉ do chơi thể thao, chấn thương dây chằng rất thường gặp trong cuộc sống hàng ngày do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn do sinh hoạt (nhất là người cao tuổi), vận động sai tư thế, thậm chí đơn giản là ngã cầu thang hay trẹo gối do đi giày cao gót.
Riêng chấn thương cổ bàn chân, mỗi ngày, Khoa Chấn thương Chỉnh hình 1 (Y học thể thao) tiếp nhận khám cho khoảng 20 trường hợp, trong đó điều trị cho 5-10 ca, có những trường hợp phải chỉ định phẫu thuật.
Đáng chú ý, nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng muộn hoặc do người bệnh chủ quan cố chịu đau, sau một thời gian không khỏi mới tìm đến bác sĩ. Nhiều trường hợp để lại những biến chứng đáng tiếc như rách sụn chêm thứ phát, mòn sụn, làm giảm tuổi thọ của khớp…
Nhiều trường hợp, người bệnh bị sưng khớp, trật khớp, đau mỏi còn điều trị bằng thuốc nam, châm cứu… sẽ làm cho bệnh càng nặng hơn. Khi đó, hiệu quả điều trị sẽ thấp, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống sau này.
“Khi thấy có biểu hiện bất thường nên đến khám tại các bệnh viện có trang thiết bị y tế hiện đại và đội ngũ bác sĩ có chuyên môn để được thăm khám và điều trị kịp thời. Không nên chủ quan, tự ý đi mua đơn thuốc về dùng hoặc dùng thuốc lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc đắp, hoặc xoa bóp. Một số trường hợp tìm đến các thầy lang để… kéo, nắn, giật rất nguy hiểm, gây khó khăn cho quá trình điều trị của bác sĩ về sau”- PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh khuyến cáo.
Điều trị hiệu quả

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, với cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn, chất lượng khám và điều trị bệnh không thua các nước trong khu vực cộng với chi phí không cao, thời gian qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khám chữa bệnh, thu hút nhiều nước ngoài đến khám bệnh và điều trị.

 

Đặc biệt, hiện nay, các phương pháp phẫu thuật nội soi khớp ít xâm lấn dần thay thế phẫu thuật mở trong điều trị các chấn thương và chấn thương thể thao. Phương pháp này giúp chẩn đoán chính xác các thương tổn, độ chính xác lên tới 100%; xử trí nhanh trong phẫu thuật; phẫu thuật ít xâm lấn; bệnh nhân ít đau, hạn chế tổn thương phần mềm xung quanh, sau mổ người bệnh có thể vận động sớm...

“Phát triển mảng y học thể thao từ năm 2018 đến nay, Khoa Chấn thương Chỉnh hình 1 (Y học thể thao) đã phẫu thuật được hàng ngàn ca bệnh khó. Trung bình, khoa tiếp nhận 20 ca/ngày, thậm chí hơn 30 ca/ngày. Trong đó có nhiều ca bệnh nặng, là những bệnh nhân cao tuổi, kèm các bệnh phối hợp, có thể là cao huyết áp, đái tháo đường, hẹp mạch vành, xơ vữa động mạch, hoặc những trường hợp nặng đa chấn thương, gãy nhiều xương”- PGS.TS Khánh cho hay.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, có thời điểm, bác sĩ phải tiến hành 5 phẫu thuật cho 1 bệnh nhân: Mổ nửa người, gãy cánh tay, cổ tay, gãy đùi, gãy chân, cổ chân. Hay có những trường hợp chèn nhau chệch khớp háng, vỡ xương chậu… Hàng tuần, khoa cũng phẫu thuật khoảng 10 ca cho các bệnh nhân cao tuổi (từ 85 đến hơn 100 tuổi). Tuy nhiên, với những ca gãy nhiều xương được phẫu thuật chỉ trong 2 giờ đồng hồ, chia thành nhiều kíp. Vì nếu kéo dài thời gian sẽ gây đau đớn, ảnh hưởng tới người bệnh, nguy cơ mất máu nhiều hơn, nguy cơ nhiễm trùng cao hơn, sau hậu phẫu sẽ vất vả hơn.

“Định hướng phát triển trong thời gian tới, khoa sẽ duy trì tốt những kỹ thuật mũi nhọn, chuyên môn về kỹ thuật thay khớp, phẫu thuật nội soi khớp, phẫu thuật trong chấn thương thể thao, tai nạn lao động, những bệnh lý trong chấn thương chỉnh hình… nhằm giúp nâng cao chất lượng sống cho người bệnh”- PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh nhấn mạnh.

Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có 7 khoa, 77 giường nhưng lượng bệnh nhân được tiếp nhận luôn ở mức hơn 100 bệnh nhân, với nhiều ca bệnh khó.  Hàng năm, song song với công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, Viện Chấn thương Chỉnh hình cũng như khoa Chấn thương chỉnh hình 1 (Y học thể thao) luôn chú trọng đến công tác chỉ đạo tuyến, chỉ đạo tại chỗ, chỉ đạo từ xa qua điện thoại, zalo, facebook, messenager…

Ngoài ra, các bác sĩ của khoa cũng hỗ trợ trực tiếp các tỉnh thành trong cả nước. Đơn cử, mới đây, các bác sĩ hỗ trợ trực tiếp tỉnh Quảng Ninh (về trường hợp chệch khớp vai), tỉnh Phú Thọ (thay khớp háng cho bệnh nhân gần 90 tuổi)…