Thậm chí có cả việc “chạy luân chuyển”, cán bộ sau khi bị kỷ luật lại được luân chuyển sang nơi khác, thậm chí lên vị trí cao hơn… Đó là những “khoảng tối” trong công tác cán bộ, đặc biệt ở khâu luân chuyển. Thế nên, Quy định số 98-QĐ/TW của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý mới ban hành được nhận định là kịp thời và trúng những “vấn đề rất thời sự” hiện nay.
Có thể nói, công tác cán bộ thời gian qua là vấn đề liên tục được nhắc đến kèm theo những sự vụ tiêu cực. Không chỉ cán bộ tham nhũng bị kỷ luật, có cả cán bộ cấp cao đương chức và về hưu cũng bị xử lý với nhiều hình thức, thậm chí mất chức. Chuyện tiếp nhận, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ là người thân tín, họ hàng thiếu khách quan, minh bạch liên tục được đưa ra khiến dư luận bức xúc.Thực tế chứng minh, việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý ở một số nơi chưa dựa trên cơ sở đánh giá và quy hoạch cán bộ, chưa có tiêu chí cụ thể; Cũng không xuất phát từ mục đích, yêu cầu nhiệm vụ mà từ ý muốn chủ quan của một người hoặc một số cán bộ chủ chốt. Trong khi đó, việc đổi mới công tác luân chuyển cán bộ, bảo đảm dân chủ, khách quan, minh bạch, công bằng chắc chắn ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ...Việc Bộ Chính trị lần đầu tiên ban hành một quy định riêng về luân chuyển cán bộ với những quan điểm, nguyên tắc và quy trình 5 bước rõ ràng, chặt chẽ được kỳ vọng tạo sự minh bạch trong công tác cán bộ. Bởi ngoài những quy định chung, có những điểm nhấn được chú trọng như cán bộ được luân chuyển để thực hiện chủ trương bố trí cán bộ không phải là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, đơn vị. Hoặc không điều động từ T.Ư về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu… Quy định rõ ràng điều kiện, tiêu chuẩn những đối tượng luân chuyển. Kèm theo đó là việc đưa ra những nội dung cụ thể về thời gian, độ tuổi luân chuyển... Đây được xem là giải pháp quan trọng góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế lâu nay, tránh việc cảm tính, là một liều thuốc tốt để chấm dứt một số bệnh trầm kha trong công tác cán bộ.Nhiều ý kiến cho rằng, quy định về luân chuẩn cán bộ ra đời khi Hội nghị BCH T.Ư 6 họp và xem xét thông qua “Đề án sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” sẽ là cơ hội để các cấp ủy Đảng nghiêm túc nhìn nhận lại những tồn tại trong công tác cán bộ thời gian qua. Bởi cùng với sự cồng kềnh, còn là chất lượng cán bộ yếu kém mà Đảng đã nhận diện là sự thật và nguy cơ. Nguyên nhân là do tổ chức bộ máy vẫn tăng, nhiều điểm bất hợp lý chưa được thiết kế lại một cách tổng thể. Từ sự định lượng rất cụ thể trong Quy định của Bộ Chính trị, chắc chắn “việc ngang, tắt” trong công tác cán bộ sẽ khó tiếp diễn. Đồng thời, xây dựng cơ chế giám sát trong - ngoài để không còn cán bộ vi phạm. Và cũng sẽ không còn những “câu chuyện đau lòng” về cán bộ có vấn đề, nhưng đã “đi” qua tất cả các khâu trong công tác cán bộ để đến những vị trí khác rồi tiếp tục vi phạm, thiếu sót nhưng vẫn “đúng quy trình”.