Tháng 11 với mùa thu, với nắng vàng, gió heo may, những trái bàng chín rộ thơm nức cả sân trường, tháng 11 với ngày Nhà giáo Việt Nam trong tuổi thơ tôi là ngày hội của lũ học trò.
Cô, trò trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú, Đống Đa, Hà Nội, xúc động trong Lễ tri ân. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
|
Cả lớp chụm đầu vào nhau, bàn xem tặng gì cho thầy cô, này hoa thược dược, này hoa đồng tiền, thêm quyển sổ, cái bút, và thường là bút đỏ để cô chấm bài. Quà tặng hoàn toàn là từ tấm lòng, trò tặng thì ít, cô tốn kẹo, tốn hoa quả thì nhiều vì có tới trên dưới 40 đứa học sinh "oanh tạc". Nhưng thầy cô lúc nào cũng rộng cửa đón học trò, đón lũ quỷ nhỏ với tiếng cười tiếng nói rộn ràng. Niềm vui dâng lên trong mắt.
Khắp các nẻo đường, tràn ngập hình ảnh lũ học sinh ríu rít, đi xe đạp tràn ra đường, đến thăm thầy thăm cô. Hình ảnh ấy ngày nay có lẽ được coi là không an toàn, là mất trật tự giao thông, nhưng cái lại là dấu ấn đẹp không thể phai mờ trong lòng mỗi người mỗi khi nghĩ về ngày 20/11, đó là tình thầy trò, là sự gần gũi thân thiết giữa người mẹ hiền thứ hai và bầy con khát chữ.
Thời sinh viên, tôi chỉ quý có một thầy và 20/11 vẫn mang hoa tới tặng thầy. Nhưng hoa Hà Nội trong ngày này đắt quá, thường tôi chẳng dám mua. Có bà chị họ làm giáo viên cấp II ở một trường của Hà Nội, 20/11 nhà lúc nào cũng ngập hoa và… phong bì. Mỗi ngày lễ, thu nhập của chị cũng phải tới vài chục triệu đồng. Chị ngồi đếm tiền, còn tôi lựa một bó hoa thật đẹp đem đi tặng thầy. Dù là hoa đi xin, nhưng tôi vẫn không thấy mình phải vương vấn điều gì, tôi tặng thầy với cả tấm lòng yêu kính của tôi.
Hôm nay, lên cơ quan, nghe các đồng nghiệp ngồi tính toán xem đi cô chủ nhiệm phong bì bao nhiêu, thầy dạy toán là môn chính thì bằng nào để tối đèo con đến nhà, chợt thấy chạnh lòng, thấy thương cho một thế hệ đang bị thương mại hóa từ trong trứng nước. Không biết lũ trẻ khi ngồi sau bố mẹ mình đến từng nhà thầy cô với bó hoa và chiếc phong bì chẳng cần giấu giếm, có cảm nhận được tí gì về tình thầy trò trong đó?
Hay vô tình, phụ huynh đã cho con thấy một cuộc bán mua, đổi trao sòng phẳng, thầy cô như những người làm thuê thuần túy vì tiền. Từ mẫu giáo đã chứng kiến những cảnh “đi đêm” ấy nên có lẽ khó tránh khỏi tình trạng học trò thời nay ít kính trọng thầy cô cho trọn vẹn và thầy cô cũng vơi đi mối ràng buộc tình nghĩa với học trò.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam tặng hoa chúc mừng cô Ghếnh. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)
|
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta thấy tràn ngập những thông tin không mấy tốt đẹp về tình thầy trò. Giáo viên bạo hành học sinh, bớt xén tiền ăn của trò, tìm cách ép phụ huynh cho con đi học thêm, lạm thu đủ thứ tiền… Sự sòng phẳng về tiền bạc đánh mất cả chữ tâm chữ đức của nghề, đến mức có trường buộc một số học sinh tiểu học không đóng tiền phải ngồi trong lớp khi các bạn khác được xem xiếc ở sân trường, không đóng tiền thì ra hành lang ngồi để các bạn khác ở trong lớp được ăn… Còn học trò thì hỗn láo, đâm chém thầy cô, đánh nhau giữa sân trường. Những tin tức ấy khiến cho người ta có cảm giác môi trường sư phạm đang tha hóa ngày càng nghiêm trọng.
Nhưng đi sâu vào từng mái trường, từng lớp học, chúng ta vẫn gặp rất nhiều những “người lái đò” thầm lặng, miệt mài và đầy nhiệt huyết, hết lòng vì học trò không một chút tính toan vụ lợi, nhất là ở vùng khó khăn. Nơi ấy, học sinh và phụ huynh còn mải lo cái ăn, cái mặc và gần như không có khái niệm về ngày 20/11. Và vì thế, cô giáo Chu Thị Nga (trường Vùng cao Việt Bắc) bảo, cô được nhận quà từ học sinh chẳng cần phải cứ ngày gì, mùa nào thức ấy. Tháng 11, món quà đó là chút mật mía được các em giấu trong ngăn bàn cô, có khi mật chảy ra cô mới biết mình có quà, hoặc cũng có thể là những trái mận chín đỏ mọng các em đặt trong mũ lưỡi trai còn ướt đẫm mồ hôi vì các em phải cuốc bộ hàng cây số đến trường.
Còn với cô giáo Vàng Thị Ghếnh, giáo viên trường mầm non Mán Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, ngay cả những bông hoa trong ngày này cũng là một điều xa xỉ. Để học sinh đến trường, cô phải đến từng bản làng vận động, mỗi sáng đến tận nhà đón các em đến trường và không ít lần rơi nước mắt vì thương trò nghèo run lên, tím tái trong manh áo mỏng giữa mùa đông vùng cao giá buốt. “Một số phụ huynh nhớ đến thì mua hoa cho con mang đến tặng, thường chỉ một bông thôi, nhưng cũng đủ để tôi cảm thấy mình hạnh phúc. Và ngay cả khi không có bông hoa nào, chỉ cần các em đi học đều, chỉ cần nhìn vào những ánh mắt thơ ngây ấy cũng đủ để người giáo viên như tôi thấy tự hào trong ngày lễ của ngành mình,” cô Ghếnh chia sẻ.
Đó có lẽ cũng là niềm tự hào của thầy giáo Hoàng Văn Thể, giáo viên trường Mầm non Tân Đức, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Chia sẻ về ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy Thể bảo: “Chúng tôi đón nhận ngày này đúng ý nghĩa của nó khi phụ huynh đến thăm hỏi động viên chỉ bằng những lời chúc mừng. Chính tình cảm của học sinh và phụ huynh mới là sự động viên, khích lệ rất lớn với mỗi người thầy, tiếp thêm sức mạnh tinh thần để chúng tôi tiếp tục hăng say với nghề.”
Ngành giáo dục đang quyết liệt triển khai việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục với mục tiêu chuyển từ dạy chữ sang dạy người, từ truyền thụ kiến thức sang hình thành năng lực, nhân cách người học, đẩy mạnh giáo dục đạo đức. Nhưng có lẽ, chừng nào phụ huynh còn nơm nớp lo những ngày lễ lạt phải chuẩn bị phong bì bao nhiêu cho giáo viên là đủ, có ít không, nếu ít con có bị phân biệt đối xử không, thì ngày đó, bài học kỹ năng sống sâu sắc của học trò không phải là phẩm chất cao đẹp, là tình yêu thương, mà là giá trị thương mại to lớn của đồng tiền, khi nó mua được cả nhân cách con người.