Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chàng rể hào hoa

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Với cách giao tiếp bặt thiệp, ăn mặc lịch sự, đi xe tay ga và ôtô đắt tiền, Phạm Văn Lộc (SN 1974, ngụ P12Q6, TPHCM) đã khiến cho cô Lê Thị An, SN 1980, ngụ huyện Gò Dầu, Tây Ninh (tên các nạn nhân trong bài đã được thay đổi - NV), phụ bán quán cà phê phải xiêu lòng.

KTĐT - Với cách giao tiếp bặt thiệp, ăn mặc lịch sự, đi xe tay ga và ôtô đắt tiền, Phạm Văn Lộc (SN 1974, ngụ P12Q6, TPHCM) đã khiến cho cô Lê Thị An, SN 1980, ngụ huyện Gò Dầu, Tây Ninh (tên các nạn nhân trong bài đã được thay đổi - NV), phụ bán quán cà phê phải xiêu lòng, nuôi mộng tiến đến hôn nhân.

Chàng rể có mác công an

Lộc thường tỏ ra quan tâm chiều chuộng người yêu từ quà cáp đến chu cấp tiền bạc. Hai tháng trước, Lộc về Tây Ninh để ra mắt gia đình vợ tương lai tại quán cà phê Hoàng Ngọc trên đường Lý Thường Kiệt, thị trấn Hòa Thành, nơi mẹ An đang tá túc tại nhà người chị ruột, vợ của ông Trương Văn Ngọc. An giới thiệu với mẹ và gia đình ông Ngọc: “Anh Lộc bạn trai con đang là cán bộ công an”. Quá trình tiếp xúc Lộc thường khoe mình là người có tiền tỷ, cơ ngơi tài sản kếch sù, là trinh sát chống ma túy của công an trên thành phố, thường đi bắt tội phạm ở Tây Ninh. Thấy tướng Lộc cao to, tóc hớt ngắn, phong cách lịch lãm, ăn nói lưu loát nên ông Trương Văn Lưu (SN 1956) là anh ruột ông Ngọc cùng người em trai Trương Văn Sơn rất nể nang.

Từ lúc được bà con bên “vợ” thân thiện coi như người trong gia đình, đi đến đâu Lộc cũng được mọi người tín cẩn. Có lần An còn đưa Lộc đến thăm rẫy nhà bà Quỳnh ở xã Ninh Sơn, thị xã Tây Ninh. Bà Quỳnh tâm sự có đứa con gái học đại học ở thành phố sắp ra trường, đang cần kiếm việc làm. Lộc liền nói: “Cháu làm công an, chỗ nào cũng quen hết, để cháu giới thiệu em vô sân bay Tân Sơn Nhất làm”. Tin tưởng, bà Quỳnh làm hồ sơ theo chỉ dẫn của Lộc. Ba ngày sau Lộc nhắn tin cho bà Quỳnh là xin việc đã xong, nhưng ngoại hình của cô gái chưa đạt nên Lộc phải “lót tay” cho “sếp sân bay” 100 triệu đồng, tạm ứng trước 30 triệu, còn 70 triệu trả sau khi nhận hồ sơ. Nghe số tiền chung chi quá lớn, bà Quỳnh thở dài thườn thượt. Tưởng rằng có đứa “cháu rể công an” tốt bụng sẵn lòng giúp đỡ, nào ngờ phải tốn quá nhiều tiền nên bà Quỳnh gặp Lộc trả lời mình không có khả năng. Thấy bị vuột kèo, Lộc lớn tiếng: “Không có khả năng thì hồ sơ bị hủy”.

Thời gian sau, thấy anh Trương Văn Bảo (SN 1976, là con trai ông Lưu) chưa có bằng lái ôtô, trong khi nhà có xe tải phải thuê tài xế, Lộc bèn hứa giúp. Anh Bảo giao 17 triệu đồng cho Lộc lo bằng lái xe ôtô cho mình và cho cha nhưng chờ mãi không thấy hồi âm, hỏi Lộc thì được hẹn từ từ, vì đang truy bắt tội phạm (!). Nghĩ Lộc là công an, có quan hệ rộng nên lần gặp sau đó ông Lưu mở lời: “Con ở thành phố coi chỗ nào có xe Jeep giá rẻ thì mua dùm bác một chiếc để làm phương tiện tới lui”. Lộc lắc đầu: “Bác mua xe đó làm chi, nên mua xe du lịch của nhà nước thanh lý, giá rẻ lắm!”. Ngay hôm sau Lộc điện thoại cho ông Lưu biết: “Trong 10 chiếc của đơn vị mới mua về, có chiếc Camry rất đẹp. Xe này là của ông sếp mua, con năn nỉ chia lại cho bác Hai với giá 250 triệu, bác chi thêm 10 triệu để tạ ơn sếp con. Tổng cộng là 260 triệu đồng”. Nghe vậy, ông Lưu mừng rỡ đưa luôn số tiền 260 triệu cho Lộc sau khi xem chiếc xe qua tấm ảnh do Lộc chụp lại.

Hay tin anh mình nhờ Lộc mua được xe hơi giá bèo, anh Trương Văn Sơn cũng ngỏ ý nhờ Lộc mua giúp một xe tải giá “mềm” như vậy. Lộc hứa: “Để cháu tìm cho chú một chiếc xe tải trên một tấn, rẻ hết biết”. Nóng lòng muốn có xe ngay nên ngày 23-9-2010 anh Sơn điện thoại cho Lộc hỏi có xe chưa, biết anh Sơn đang cần xe, Lộc tỏ vẻ từ tốn nói: “Để trả lời sau” rồi cúp máy. Khoảng 23 giờ cùng ngày, Lộc điện thoại cho anh Sơn trả lời: “Có một chiếc hiệu Hyundai đời 2008 giá 110 triệu đồng chuẩn bị nhập về, chú có mua không?”. Anh Sơn đồng ý. Lộc cho biết hai ngày sau sẽ giao xe, kêu anh Sơn chuẩn bị tiền.

Đúng hẹn, sáng 26-9 Lộc chạy xe tay ga SH chở An từ thành phố về Tây Ninh. Anh Sơn giao cho Lộc đủ 110 triệu đồng. Cầm cọc tiền trong tay Lộc chẳng cần đếm bỏ vào cốp xe SH rồi tạm biệt mọi người lên xe về thành phố. Đợi cả tuần không thấy Lộc đả động đến chuyện xe cộ, anh Sơn cảm thấy bất an, gọi điện cho Lộc nói: “Số tiền chú đưa con là của cha vợ, ông ấy đợi lâu đổi ý không muốn mua nữa. Nếu chưa có xe, con thông cảm hoàn lại số tiền trên để chú trả lại ổng cho êm chuyện”. Lộc trấn an: “Để con hỏi sếp”. Thấp thỏm chờ cả ngày mà chẳng thấy hồi âm, qua hôm sau anh Sơn điện thoại tiếp thì nhận được câu trả lời thẳng thừng của Lộc: “Sếp nói đưa tiền mua rồi, không được quyền lấy lại. Chú cố gắng đợi tháng nữa sẽ có xe!”.

Lộ diện kẻ lừ đảo

Hơn nửa tháng trôi qua mà bóng dáng chiếc Camry bốn chỗ cùng chiếc xe tải vẫn ở tận nơi đâu, ông Lưu và anh Sơn cảm thấy hoang mang nên điện thoại đốc thúc thì được Lộc trả lời: “Con đang làm thủ tục, chừng 45 ngày là xong, không phải lo cho mệt”. Để thể hiện mình là đại gia làm ăn chân chính Lộc bàn bạc với ông Ngọc tận dụng khuôn viên quán cà phê làm salon bán ôtô đời mới. Vợ chồng ông Ngọc đồng ý vì nghĩ “cháu rể” mạnh dạn bỏ vốn làm ăn lớn thì việc anh em nhờ mua xe cộ chậm trễ vừa rồi chẳng sao. Trong khi đó thì anh Sơn bắt đầu nghi ngờ, âm thầm theo dõi mọi động tịnh của “thằng cháu rể”.

Ngày 15-10-2010, Lộc về Tây Ninh đưa An 20.000.000 đồng giao cho ông Ngọc tiến hành đóng lại la-phông quán cà phê và trang trí cửa hàng, chuẩn bị chỗ cho vài chục chiếc ôtô xịn đậu. Ông Ngọc được Lộc lên tinh thần: “Cháu bỏ ra mấy tỷ bạc xây dựng salon, xong rồi giao chú làm giám đốc trông coi buôn bán, lúc đó chú phải góp vốn thêm vài trăm triệu nha”. Trong lúc quán cà phê Hoàng Ngọc đang sửa sang thành salon ôtô thì sáng 21-10 Lộc có mặt để kiểm tra việc chuẩn bị nhập hàng. Thấy Lộc xuất hiện, anh Sơn nhanh chân đến trụ sở Công an thị trấn Hòa Thành trình báo. Sau khi nhận đơn, trung tá Nguyễn Thị Thanh Xuân (Phó trưởng Công an thị trấn Hòa Thành) cải trang đến quán cà phê để nhận dạng. Biết đây là kẻ giả danh, chị Xuân cấp tốc gọi điện, xác minh. Khi Lộc vừa ngồi lên xe SH định nổ máy chạy đi thì CA thị trấn xuất hiện mời Lộc về trụ sở làm việc.
Tại cơ quan điều tra, khi hỏi về nghề nghiệp: “Anh có phải là công an không?”. Lộc ấp úng trả lời: “Dạ không phải, em là tài xế”, rồi nói mình không biết chữ nên khỏi lấy lời khai (!). Khi điều tra viên hỏi về vụ mua bán xe ôtô thì Lộc cho biết đã nhận tiền rồi nhưng chưa giao xe. Đến lúc thấy ba anh em nhà họ Trương có mặt thì Lộc giật bắn mình, biến sắc mặt. Trong cốp xe SH của Lộc có hai bản hợp đồng mua 33 chiếc xe ôtô trị giá hơn 8 tỷ đồng! Lộc thừa nhận làm giả hợp đồng này để các nạn nhân xem tin tưởng giao tiền. Khi xác minh nhân thân Lộc, CA phát hiện năm 2000, Lộc từng bị TAND huyện Bến Lức, tỉnh Long An tuyên phạt 4 năm tù về tội “giả mạo giấy tờ”.

 Tổng cộng Lộc đã lừa đảo ba người, chiếm đoạt 387 triệu đồng bằng những kịch bản y dựng lên. Y còn chống chế là không tiêu xài một mình mà mua xe máy, ĐTDĐ tặng An và dòng họ “bên vợ” tận Bình Phước. Chiếc xe ôtô bảy chỗ Lộc sử dụng làm phương tiện lên xuống Tây Ninh là xe của người em rể mà Lộc làm tài xế, còn hình ảnh các loại xe ôtô Lộc đưa ông Lưu coi là cóp trong quyển ca-ta-lô để lừa. Ngày 25-10-2010, cơ quan CA ra lệnh bắt giam Phạm Văn Lộc để điều ra xử lý. Ai là nạn nhân của đối tượng này xin liên hệ Công an huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh gặp điều tra viên Nguyễn Đắc Trung, số điện thoại: 0918383477.