Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chật chội làng mộc Phù Yên

Bài, ảnh: Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghề mộc ở Phù Yên, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ có lịch sử lâu đời nhưng chính thức được công nhận làng nghề từ cuối năm 2016. Hiện nay, người làng nghề đang phải làm việc trong một môi trường chật chội nên khó phát triển.

Trên đà phát triển

Với những bí kíp gia truyền, người thợ Phù Yên đã sáng tạo ra hàng trăm sản phẩm, đa dạng về mẫu mã, đảm bảo chất lượng. Nghề mộc Phù Yên đã khẳng định được thương hiệu trong cả nước với những sản phẩm mộc độc đáo như nhà cổ, đồ thờ, đồ gia dụng… Từ việc quanh năm “rửa cưa, mài đục” rong ruổi khắp nơi hành nghề, ngày nay người thợ Phù Yên đã gây dựng và phát triển nghề ngay tại quê nhà.
Anh Nguyễn Văn Dũng, công nhân xưởng gỗ Chí Tài, Phù Yên, Trường Yên, đang làm việc ngoài đường làng.
Phù Yên có 800 hộ thì có tới 50% số hộ tham gia nghề mộc, với 50 xưởng mộc lớn và trên 100 tổ hợp tại gia. Để duy trì và phát triển nghề, Phù Yên đã mở các lớp truyền dạy và nhân cấy nghề cho lớp lao động trẻ. Địa phương cũng đã thành lập được Hiệp Hội làng nghề với trên 100 thành viên tham gia. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất giúp tăng năng suất lao động đồng nghĩa với thu nhập của người dân được nâng cao. Để bảo vệ môi trường, các hộ sản xuất đã đầu tư xây dựng phòng cách âm để hạn chế bụi bặm và tiếng ồn từ quá trình sản xuất.

Chủ tịch UBND xã Trường Yên Nguyễn Gia Dư cho biết: Làng nghề có ý nghĩa rất lớn đối với địa phương bởi đã tạo việc làm cho gần 600 người dân địa phương và hàng trăm lao động ở vùng lân cận với mức thu nhập bình quân từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Những lao động có tay nghề cao có thể thu nhập 12 - 15 triệu đồng/tháng. Hiện nay, mức thu nhập bình quân của Trường Yên là 36 triệu đồng/người/năm.

Đường làng làm nơi sản xuất

Là một làng nghề đang trên đà phát triển, nhưng hiện nay làng mộc Phù Yên vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trong đó mặt bằng sản xuất chật hẹp đang là trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển của làng nghề hiện nay. Để sản xuất, người dân đã tận dụng tối đa diện tích 2 bên đường làm nơi tập kết nguyên vật liệu và làm việc. Xưởng sản xuất nhà ông Nguyễn Chí Tài là xưởng có quy mô sản xuất lớn nhất làng. Tổng diện tích khu xưởng khoảng 800m2 được chia làm 2 xưởng riêng biệt. Trong xưởng có trên 20 lao động đang làm việc. Khắp nơi bụi gỗ bay mù mịt, mùi sơn PU đặc quánh, kèm theo tiếng máy cưa, đục đinh tai nhức óc, tất cả tạo nên một không khí ngột ngạt, khó thở. Theo ông Tài, đặc trưng của nghề mộc là cần diện tích rộng, trung bình mỗi xưởng phải có diện tích khoảng 2000m2 mới thiết kế được nơi đặt máy sản xuất, phòng chuyên sơn PU, xưởng tập kết nguyên liệu... Tuy nhiên hiện nay ở địa phương chưa có gia đình nào đáp ứng được yêu cầu trên. Ở đây người dân phải tận dụng diện tích sinh hoạt làm nơi sản xuất, thậm chí hầu hết các hộ dân đều tận dụng đường đi lối lại làm nơi sản xuất của gia đình. Hàng ngày cả người trực tiếp sản xuất và người dân xung quanh đều phải sống chung với tiếng ồn, bụi gỗ, mùi sơn PU...

Chính vì vậy, người Phù Yên rất mong được các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ việc xây dựng điểm công nghiệp làng nghề xa khu dân cư. Điều đó sẽ tạo thuận lợi về giao thông, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiếng ồn cho khu dân cư. Bên cạnh đó quan tâm xây dựng thương hiệu, giới thiệu quảng bá sản phẩm, tạo thuận lợi cho các hộ làm nghề tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh sản xuất góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.