Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chất lượng nền kinh tế và những câu hỏi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/10, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 42, cho ý kiến...

Kinhtedothi - Ngày 12/10, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 42, cho ý kiến vào các Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) năm 2015 và kế hoạch phát triển KT - XH năm 2016; kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2016.

Doanh nghiệp gặp khó tăng cao

Nhận định về tình hình KT - XH 9 tháng năm 2015, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu cho biết, trong 9 tháng qua, nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, nền kinh tế tiếp tục phục hồi rõ nét. Đáng lưu ý, tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây, sản xuất công nghiệp tăng khá. Đánh giá tình hình, Chính phủ dự kiến từ nay đến cuối năm, trong số 14 chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT - XH đề ra cho kế hoạch năm 2015 tại Nghị quyết Quốc hội, có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, tốc độ tăng GDP khoảng 6,5% (kế hoạch là 6,2%); chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 1,5 - 2,5% (kế hoạch là kiềm chế ở mức khoảng 5%)... Chỉ có một chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ che phủ rừng.
Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Thanh Hải
Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Thanh Hải
Những kết quả này được các thành viên UBTV Quốc hội đánh giá cao, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng: Việc phục hồi tăng trưởng thiếu yếu tố bền vững: Khai thác dầu vượt kế hoạch đề ra trong điều kiện giá dầu ở mức quá thấp; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng chỉ tăng trưởng ở mức 2,08% so với mức tăng 3% của cùng kỳ năm 2014. Nông nghiệp là ngành đóng góp xuất khẩu (XK) lớn và xuất siêu khoảng 10 tỷ USD/năm nhưng giảm cả về sản lượng và giá trị XK. Đặc biệt, năm 2015, tình trạng nhập siêu đã trở lại sau 3 năm 2012 - 2014 xuất siêu. Khu vực kinh tế trong nước luôn ở tình trạng nhập siêu (giai đoạn 2011 - 2014 nhập siêu 56,3 tỷ USD, 9 tháng năm 2015 nhập siêu 15,8 tỷ USD), trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu. Cùng với đó, số lượng DN ngừng hoạt động, giải thể lớn trong những năm qua cũng là đáng báo động và sẽ tác động tiêu cực trong trung hạn, dài hạn. 9 tháng năm 2015 đã có 54.566 DN khó khăn ngừng hoạt động, tương đương cả năm 2011 và 2012.

Đối với đề xuất giao chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cho năm 2016, nhiều ý kiến cảnh báo, việc phát triển KT - XH năm sau dự kiến khó khăn. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý một số biểu hiện cần quan tâm, đánh giá thực chất trong diễn biến của nền kinh tế đất nước. Trước hết là việc sau 3 năm xuất siêu thì năm 2015 đã nhập siêu trở lại, trong đó có vấn đề tăng tỷ lệ nhập siêu từ Trung Quốc. Đây cũng là câu hỏi được đặt ra về chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế khi Báo cáo của Chính phủ khá lạc quan về kết quả tăng trưởng GDP nhiều khả năng sẽ vượt chỉ tiêu 6,2% Quốc hội giao cho cả năm 2015...

Bán cổ phần vốn Nhà nước để chi đầu tư phát triển

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Tổng thu NSNN năm nay ước vượt dự toán 16.400 tỷ đồng (tăng 1,8% so với dự toán và tăng 7,4% so ước thực hiện năm 2014). Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: Tăng thu NSNN chủ yếu từ ngân sách địa phương (khoảng 47.700 tỷ đồng), còn ngân sách T.Ư vẫn hụt thu 31.300 tỷ đồng. Điều này dẫn đến khó khăn trong cân đối NSNN.

Để xử lý bù hụt thu ngân sách T.Ư, người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết: Chính phủ đề nghị phương án sử dụng một phần tiền bán bớt cổ phần vốn Nhà nước tại DN (khoảng 10.000 tỷ đồng). Đề nghị này được Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí, nhưng Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho rằng, Chính phủ cần làm rõ số hụt thu còn lại (21.300 tỷ đồng) sẽ được xử lý từ nguồn nào.

Cùng với đó, bội chi ngân sách dự kiến là 5% không đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP (bao gồm cả trái phiếu Chính phủ); nợ công nằm trong giới hạn cho phép nhưng tăng nhanh trong giai đoạn 2011 - 2015, hiệu quả sử dụng vốn ODA và các chính sách sử dụng vốn ODA chưa cao, áp lực và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh; kỷ cương, kỷ luật tài chính chưa nghiêm… cũng là những vấn đề khiến các thành viên UBTV Quốc hội lo ngại. Đồng thời, kỷ luật đầu tư công cũng là một vấn đề đặt ra khi vẫn còn tình trạng ứng trước vốn để đầu tư. Tính đến hết năm 2014, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách khoảng 46.000 tỷ đồng và tổng số vốn ứng trước chưa bố trí nguồn thu hồi là 62.200 tỷ đồng. Đề nghị Chính phủ tính toán các giải pháp để bù hụt thu, đảm bảo cân đối NSNN. Trong đó, cần lưu ý đến tình trạng chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm, một số khoản chi NSNN vượt dự toán, chi tiêu chưa thực sự tiết kiệm… Các ý kiến từ Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng cơ bản nhất trí với đề nghị bán bớt cổ phần vốn Nhà nước tại một số DN Nhà nước để thu về khoảng 30.000 tỷ đồng nhằm bổ sung chi đầu tư phát triển, tập trung cho một số công trình hạ tầng quan trọng có sức lan tỏa.

Về dự toán NSNN năm 2016, Chính phủ dự kiến tổng thu cân đối NSNN năm 2016 là 984.500 tỷ đồng, tăng 6,1% so với ước thực hiện năm 2015. Tuy vậy, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho rằng: Đây là mức tăng dự kiến thấp nhưng đề nghị rà soát lại các khoản thu NSNN, bảo đảm không bỏ sót nguồn thu và tăng cường các biện pháp chống thất thu. Đồng thời cần tính toán lại chiến lược thu trong trung và dài hạn, phấn đấu mức huy động từ thuế, phí và lệ phí không thấp hơn 20% GDP/năm trong những năm tới.

Cũng trong ngày 12/10, các thành viên UBTV Quốc hội cho ý kiến về việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ; Đề án phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế đến năm 2020.
Không phủ nhận khả năng đến hết năm nay, tăng trưởng GDP vẫn giữ được mức 6,5% (vượt chỉ tiêu 6,2% Quốc hội giao) nhưng đặt trong bức tranh chung của kết quả 5 năm 2011 – 2015 thì mức tăng trưởng bình quân 5,88%/năm vẫn thấp hơn giai đoạn trước và thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng 6,5 - 7% đã đề ra cho giai đoạn này. Đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp vào tăng trưởng còn hạn chế ở mức 24 - 25%, năng suất lao động Việt Nam so với Singapore chỉ bằng 1/18, Malaysia bằng 1/6,5, Thái Lan bằng 1/2,7.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu