Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chất vấn thẳng thắn để giải quyết 4 “món nợ”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 10/6, phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Tại kỳ họp này, Quốc hội quyết định lựa chọn 4 nội dung để tiến hành chất vấn

Chiều 10/6, phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Tại kỳ họp này, Quốc hội quyết định lựa chọn 4 nội dung để tiến hành chất vấn: Thứ nhất, vấn đề nợ công, giải quyết nợ xấu, thu thuế, ngân sách.

Thứ hai, vấn đề giáo dục, trong đó nổi lên là chất lượng GD&ĐT; tiến sĩ, thạc sĩ, sinh viên, công nhân được đào tạo ra trường thiếu việc làm, mất cân đối giữa chất lượng GD&ĐT và yêu cầu của đất nước. Thứ ba, vấn đề đổi mới, cải cách thể chế, đang nổi lên vấn đề nợ văn bản pháp luật chưa giải được. Thứ tư, vấn đề giải quyết khiếu nại tố cáo, thanh tra, phòng chống tham nhũng, chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn.     	Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, 4 "món nợ” lớn gồm nợ công, nợ thu ngân sách, thuế; nợ việc làm; nợ văn bản; nợ các biện pháp cần thiết để đấu tranh phòng chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng… đang được cử tri cả nước đòi hỏi giải quyết quyết liệt. Đến nay, đã có 194 câu hỏi của 60 ĐB Quốc hội ở 37 đoàn ĐB gửi tới Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, các thành viên Chính phủ, trưởng ngành. Hầu hết các câu hỏi này đã được trả lời bằng văn bản. Trong phiên chất vấn tại hội trường, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐB và các bộ trưởng, trưởng ngành với tinh thần dân chủ, cởi mở thẳng thắn, trao đi đổi lại để giải quyết thật tốt 4 “món nợ” đó.

Cũng trong chiều 10/6, Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII, Trưởng ban Dân nguyện của UBTV Quốc hội Nguyễn Đức Hiền cho biết: Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII, cử tri cả nước đã gửi đến Quốc hội 2.195 kiến nghị về hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp, các dự án luật và công tác chỉ đạo, điều hành... Đến trước Kỳ họp thứ 7, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời 2.195 kiến nghị, đạt 100%. Tuy nhiên, vẫn còn có bộ, ngành giải quyết, trả lời chậm, chưa đi thẳng vào vấn đề cử tri kiến nghị, chất lượng giải quyết còn hạn chế như: Sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Nghị định về kinh doanh xăng dầu; quản lý, sử dụng đất nông trường, lâm trường; việc giải quyết khó khăn về sản xuất và đời sống của ngư dân, của người dân bị thu hồi đất ở các khu tái định cư…