KTĐT - Tại các quốc gia châu Á, điện thoại di động đã “vượt mặt” máy tính và trở thành công cụ chủ yếu để truy cập các mạng xã hội, theo nghiên cứu của IDC.
Theo nghiên cứu của IDC, tại hầu hết các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, điện thoại di động đã trở thành một công cụ không thể thiếu và không chỉ dừng lại ở chức năng thoại. Hơn 50% thành viên của các mạng xã hội tại các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan hay Hàn Quốc thường xuyên truy cập vào trang cá nhân của mình bằng chiếc điện thoại di động.
Cụ thể, tại Trung Quốc tỷ lệ này là 62% và Thái Lan là 65 % người dùng cho biết họ thường nhận thông báo tin mới, nhận và trả lời các tin nhắn, tải ảnh lên trang cá nhân hoặc cập nhật trạng thái, hồ sơ của mình thông qua công cụ chủ yếu là điện thoại di động.
Australia và Singapore là hai quốc gia có tỷ lệ truy cập mạng xã hội qua di động thấp nhất trong số các nước được IDC nghiên cứu nhưng vẫn đạt mức 19% và 25%. “Sự phổ biến của điện thoại di động đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của các mạng xã hội”, Debbie Swee, nhà phân tích thị trường công nghệ của các quốc gia mới nổi tại châu Á – Thái Bình Dương của IDC nói.
Tuy vậy, IDC cũng cho rằng việc sử dụng mạng xã hội qua di động chỉ là biểu hiện của độ phổ cập công nghệ Internet di động và các quốc gia châu Á –Thái Bình Dương đang đánh mất cơ hội phát triển trong lĩnh vực này khi các nhà mạng viễn thông vẫn đưa ra mức giá cước quá cao và ngăn cản người dân tiếp cận với các dịch vụ khác.
“Chúng tôi tin rằng ít nhất tại các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan, nếu các nhà mạng có mức cước thấp hơn, lĩnh vực Internet di động còn phát triển mạnh hơn thế nhiều lần”, đại diện của IDC nhận xét, “Hầu hết những người chưa sử dụng mạng xã hội qua di động cho biết họ rất muốn nhưng không thể vì cước dữ liệu quá cao”.