Mô hình máy bay Boeing tại Hội chợ triển lãm hàng không châu Á 2011 (Nguồn: nld.com.vn) Hãng sản xuất máy bay Boeing hy vọng sự bùng nổ của các thị trường hàng không ở châu Á và Trung Đông sẽ là "cứu cánh" trong thời buổi hãng phải đối mặt với những bất ổn kinh tế tại Mỹ và châu Âu, hai thị trường được đánh giá trụ cột trong nhiều năm qua. Phát biểu tại buổi họp báo ở Singapore, bà Sherry Carbary, Phó Chủ tịch Boeing phụ trách mảng dịch vụ bay, cho biết số đơn đặt mua máy bay từ các hãng hàng không Mỹ và châu Âu đã giảm sút, thậm chí một số hãng còn hủy cả đơn hàng. Tình hình kinh tế Mỹ đang tiềm ẩn nhiều bất trắc, nên các hãng hàng không không mua thêm máy bay và cũng chẳng ngó ngàng tới đơn đặt mua. Tình cảnh của châu Âu cũng chẳng khá hơn. Nhưng điểm sáng lại lóe lên từ hai thị trường hàng không châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông, nơi tốc độ tăng trưởng cùng số đơn đặt mua máy bay đang bùng nổ. Boeing dự đoán tăng trưởng của thị trường hàng không ở hai khu vực này sẽ không chậm lại trong vòng 2 thập kỷ tới. Số liệu của Boeing cho thấy châu Á- Thái Bình Dương sẽ dẫn đầu về việc tiếp nhận số máy bay mới cũng như giá trị thị trường so với các khu vực khác của thế giới. Theo đó, tới năm 2030 châu Á-Thái Bình Dương sẽ nhận 11.450 máy bay mới, chiếm hơn 1/3 trong tổng số 33.500 máy bay mới của cả thế giới. 48% số khách đi lại bằng máy bay sẽ đến và đi từ châu Á-Thái Bình Dương. Cũng vào năm 2030 giá trị thị trường của hàng không châu Á-Thái Bình Dương sẽ lên tới 1.500 tỷ USD, chiếm 37% của cả thế giới. Trong khi giá trị thị trường của các khu vực chưa vươn tới ngưỡng 900 tỷ USD. Tháng trước, Boeing đã nêu bật sự bùng nổ của thị trường hàng không châu Á-Thái Bình Dương khi nhấn mạnh khu vực này đối mặt với tình trạng thiếu phi công nghiêm trọng bởi một số hãng hàng không đã buộc phải cắt giảm các chuyến bay và mua thêm máy bay mới do đang bị thiếu. Boeing cũng ước tính Trung Quốc sẽ cần thêm 5.000 máy bay mới trị giá khoảng 600 tỷ USD vào năm 2030, tăng mạnh so với dự báo trước đó là chỉ cần 4.330 máy bay mới vào năm 2029, do tầng lớp trung lưu ngày càng trở nên giàu có hơn khích lệ sự bùng nổ đi lại bằng đường hàng không. Đối với Trung Đông kinh tế phục hồi nhanh sau đợt suy thoái năm 2009 và đạt được tốc độ tăng trưởng mạnh hồi năm ngoái báo trước triển vọng tăng trưởng lạc quan. Trong khi các thị trường hàng không ở phần còn lại của thế giới bị co lại trong thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2009, các hãng hàng không Trung Đông vẫn hoạt động nhộn nhịp trên các đường bay quốc tế, cho thấy sự vượt trội của khu vực này trong bức tranh hàng không toàn cầu. Các hãng hàng không Trung Đông đã có tốc độ tăng trưởng 17,8% trên các đường bay quốc tế, bỏ xa mức tăng 8,2% trung bình của hàng không toàn thế giới. Theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế, các thị trường phát triển nhanh nhất đối với các đường bay quốc tế trong giai đoạn 2009-2014 sẽ là Trung Quốc, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất, Việt Nam, Malaysia và Sri Lanka./.