Va chạm giữa cảnh sát và khách hàng của một quán rượu ở Scotland vẫn mở cửa bất chấp lệnh cấm của chính phủ nước này do dịch Covid-19.
Ngày 27/2 - 4 ngày sau khi 11 thị trấn ở phía Bắc Italia bị cách ly, và là thời điểm mà nước này có 17 người chết vì virus và 650 nhiễm bệnh, lãnh đạo đảng Dân chủ cầm quyền, Nicola Zingaretti đã tới Milan - tâm dịch bùng phát - để sau đó truyền một thông điệp kỳ lạ trên trang cá nhân: "Nền kinh tế của chúng ta mạnh hơn nỗi sợ hãi. Chúng ta hãy ra ngoài để thưởng thức rượu khai vị, cà phê và ăn pizza". 9 ngày sau, khi số người chết đã tăng lên 233 và 5.883 trường hợp dương tính được xác nhận tại Italia, ông Zingaretti tuyên bố mình đã nhiễm Covid-19.
Italia - quốc gia hiện có số lượng ca tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới - đã phải vật lộn để thực hiện phong tỏa một phần và sau đó là toàn bộ quốc gia. Tại một số khu vực, bao gồm Campania và Sicily, lực lượng cảnh sát và quân sự đã phải triển khai để ngăn chặn những người không chịu tuân thủ. Điều này không hề thái quá, khi thứ 6 vừa qua, Bộ Nội vụ Italia báo cáo ghi nhận 9.600 người đã vi phạm lệnh hạn chế vào 1 ngày trước đó.
Tại Pháp, đe dọa khoản phạt 135 Euro (160 USD) cho mỗi lần vi phạm lệnh hạn chế mùa Covid-19 cũng không ngăn được 70.000 người dân "nổi loạn" trong 24h đầu tiên có hiệu lực. Bộ trưởng Nội vụ Pháp, Oliverhe Castaner đã công khai chỉ trính những người phớt lờ các quy tắc của chính phủ là "những kẻ ngu ngốc".
Truyền thông Đức hồi cuối tuần qua đưa tin rằng chính quyền địa phương tại một thị trấn ở North Rhine-Westphalia, bang bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nặng nhất ở nước này, đã bắt đầu tháo dỡ các bộ xích đu và băng ghế trong sân chơi trẻ em, khi những dải dây niêm phong trước đó đã bị nhiều gia đình dẹp bỏ dễ dàng.
Tại Anh, sau khi tuyên bố đóng cửa tất cả các quán rượu, nhà hàng, quán bar, phòng tập thể dục và câu lạc bộ đêm kể từ đêm thứ 7 vừa qua, Thủ tướng Boris Johnson dường như đã phải van nài đám đông đang nhăm nhe tiệc tùng lần cuối trước khi lệnh hạn chế có hiệu lực.
"Xin đừng", ông Johnson nói, "bạn có thể cho rằng bạn đang rất khỏe, nhưng bạn vẫn có thể là người đang mang mầm bệnh mà không có triệu chứng và rồi truyền nó cho người khác".
Nhưng dường như chỉ số ít để tâm đến lời kêu gọi này, bởi các quán rượu trên khắp nước Anh đêm thứ 6 vẫn chật kín người, trong khi nhiều cửa hàng ở Cornwall và Devon thậm chí đã tặng bia miễn phí để thu hút khách.
Khi người dân càng cho thấy sự ích kỷ và vô kỷ luật, các chính phủ châu Âu hầu hết phải chuyển sang "thiết quân luật" như thời chiến, nhằm bảo vệ hệ thống y tế nước nhà trước nguy cơ quá tải do dịch bệnh lan nhanh.
Tuy nhiên, vẫn có những lỗ hổng đáng kể trong việc thực thi các quy định hạn chế tại nhiều quốc gai châu Âu. Chẳng hạn, Pháp yêu cầu tất cả những người rời khỏi nhà của họ phải mang theo giấy "chứng thực" do chính phủ ban hành, nhằm xác nhận tính thiết yếu của chuyến đi. Nhưng mẫu giấy này được cho không có dấu hạn thời gian, khiến lực lượng kiểm tra không thể biết được một người đã ra ngoài bao nhiêu lần, hay đã đi bao xa.