Các biện pháp nhằm chia sẻ thông tin tình báo giữa các quốc gia thành viên và dữ liệu của các hãng hàng không sẽ được tăng cường để giúp cơ quan an ninh trên toàn châu Âu kịp thời ngăn chặn các âm mưu khủng bố.
Các vụ tấn công tại Pháp, kế hoạch khủng bố được lực lượng an ninh khám phá tại Bỉ... đã buộc các quan chức EC phải gác lại những bất đồng liên quan đến việc sửa đổi Hiệp ước Schengen. Chính việc công dân của các nước thành viên EU được phép di chuyển tự do trên hầu khắp Lục địa già mà không cần hộ chiếu theo tinh thần của Hiệp ước Schengen đã tạo ra một lỗ hổng an ninh cho toàn châu Âu. Thống kê cho thấy, hơn 3.000 người dân từ khắp EU đã dễ dàng đến Iraq, Syria để tham gia các tổ chức cực đoan và quay lại châu Âu âm thầm thực hiện các âm mưu thánh chiến. Những thách thức chưa từng có này buộc EC phải nhanh chóng tìm ra một giải pháp khả thi để tăng cường an ninh biên giới bên ngoài EU và ngăn chặn các nguy cơ từ bên trong để đảm bảo an toàn cho khối.
Theo nội dụng của chương trình nghị sự, để kiểm soát các nguy cơ khủng bố, công dân của các nước trong và ngoài châu Âu khi nhập cảnh, quá cảnh trong lãnh thổ Lục địa già buộc phải khai báo hàng chục hạng mục thông tin. Trong 42 đầu mục được yêu cầu kê khai có cả thông tin chi tiết về tài khoản ngân hàng, địa chỉ nhà và thậm chí cả sở thích ăn uống… Các dữ liệu này sẽ được lưu trữ trong vòng 5 năm và được cơ quan an ninh châu Âu chia sẻ với Mỹ, Canada và Australia theo một thỏa thuận đã được ký kết.
Vậy là vượt qua những tranh cãi, trở ngại trong quá khứ và hiện tại, EC đang cho thấy quyết tâm trong cuộc chiến chống lại các nhóm cực đoan. Mà thực ra từ 2 năm trước, một số thành viên của EC đã cố gắng để thông qua một thỏa thuận tăng cường chia sẻ thông tin và dữ liệu tình báo giữa các nước EC. Tuy nhiên, sự thỏa hiệp của Bộ trưởng Nội vụ các nước thành viên EU vẫn vấp phải không ít tranh cãi. Là một trong những thủ đô hàng không của thế giới, các hãng hàng không châu Âu mỗi ngày phục vụ hàng triệu lượt khách. Để xử lý, phân tích dữ liệu của những hành khách này, các cơ quan an ninh sẽ tốn kém không ít thời gian và công sức, tiền bạc. Ông Jan Philipp Albrecht - Phó Chủ tịch Ủy ban tự do dân sự của EC cho rằng, thay vì mất thời gian để phân tích bản danh sách bất tận của các hành khách, cơ quan an ninh châu Âu nên tập trung vào các nghi phạm có nguy cơ cao.
Hiện chưa rõ nội dung của chương trình nghị sự an ninh này sẽ được sửa đổi ra sao nhưng có một điều chắc chắn là những giá trị nền tảng hướng đến một sự tự do tuyệt đối của EU đã phải thay đổi như một yêu cầu tất yếu từ nguy cơ an ninh. Tuy nhiên, sự mềm dẻo của EC trước đòi hỏi của thực tế đã mâu thuẫn với mục đích tối thượng của Liên minh này và sẽ tạo ra tiền lệ phá vỡ những giá trị nền tảng khác.
Lính Pháp tuần tra gần tháp Eiffel tại Paris. Ảnh: GETTY IMAGES
|