Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Âu "không cản nổi" dự án Dòng chảy Phương Bắc 2

Nguyễn Phương (Theo Sputnik)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đáp lại cảnh báo trừng phạt từ Washington và sự chỉ trích của Brussels, Berlin đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga.

Châu Âu hiện đang chia rẽ về việc thực hiện đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2, tuy nhiên những quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất dự án cũng buộc phải thừa nhận rằng họ không thể cản nổi việc xây dựng tuyến đường ống này. Trong khi đó, các nước châu Âu đang tăng mạnh lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga, theo dữ liệu sơ bộ của tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom (Nga).
 Bất chấp Brussels phản đối, Dòng chảy Phương Bắc 2 vẫn được xúc tiến trơn tru.
Trong khi Dòng chảy Phương Bắc 2 vẫn đang được xúc tiến theo đúng kế hoạch, chuẩn bị đi vào hoạt động vào cuối năm nay, dự án này khiến các nước Liên minh châu Âu (EU) chia thành 2 phe trong bối cảnh Mỹ đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những doanh nghiệp tham gia dự án.
Đáp lại đe dọa trừng phạt của Washington và sự chỉ trích của Brussels, Berlin đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án năng lượng.
Theo truyền thông Nga, chính phủ Đức quan tâm đến Dòng chảy Phương Bắc 2 vì dự án sẽ biến Berlin thành một trung tâm khí đốt lớn - Dòng chảy Phương Bắc và Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ cung cấp 110 tỷ m3 khí đốt tự nhiên mỗi năm cho châu Âu thông qua Đức.
Phát biểu trên nhật báo Handelsblatt hôm 20/1, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier cho biết dự án này "tiến bộ hơn rất nhiều so với những tuyến đường ống khí đốt khác chạy hàng trăm km trên biển".
Phía Áo cũng ủng hộ việc thực hiện tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2. Đại sứ Nga tại Áo Dmitry Lyubinsky nói với hãng tin Sputnik của Nga hôm 28/12/2018 rằng Vienna tin "dự án này sẽ được thực hiện thành công".
Trong số 5 nước mà Dòng chảy Phương Bắc 2 cần được cấp phép xây dựng chạy dưới biển Baltic, hiện Đức, Nga, Phần Lan và Thụy Điển đã đồng ý cho phép thực hiện dự án này.
 Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier khẳng định Dòng chảy Phương Bắc 2 có nhiều ưu điểm.
Đan Mạch hiện là quốc gia duy nhất chưa phê duyệt việc xây dựng đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 với lý do an ninh và môi trường.
Tuy nhiên, nhà thầu dự án đã đưa ra một "kế hoạch B". Theo đó, đường ống dẫn khí đốt có thể chỉ đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch, không đi qua vùng lãnh hải của nước này. Tuyến đường ống mới sẽ chạy qua đảo Bornholm, phía tây bắc của Đan Mạch và sẽ dài hơn 36 km so với kế hoạch ban đầu.
Nhà thầu AG của Dòng chảy Phương Bắc 2 cũng khẳng định rằng Đan Mạch sẽ không thể cản được dự án này, đồng thời cho biết chính quyền  Copenhagen dự kiến ​​sẽ bật đèn xanh cho Dòng chảy Phương Bắc 2 vào cuối năm 2019.
Dòng chảy phương Bắc 2 có chiều dài 1.225 km là dự án liên doanh giữa Gazprom và 5 công ty của châu Âu, gồm Engie của Pháp, OMV AG của Áo, Royal Dutch của Anh và Uniper và Wintershall của Đức. Đến nay, các công ty đã đầu tư hơn 6 tỷ euro (khoản 6,8 tỷ USD) để thực hiện dự án Dòng chảy Phương Bắc 2.
Khi hoàn thành, đường ống khí đốt này hàng năm sẽ chuyên chở 55 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga tới các nước thành viên EU thông qua Biển Baltic và Đức. Dự kiến đường ống này sẽ đi vào hoạt động muộn nhất vào cuối năm 2019.
Dự án này dự kiến sử dụng 86% đường ống của dự án Dòng chảy phương Bắc 1 trước khi rẽ nhánh với tổng chi phí ước tính lên tới 9,5 tỷ euro.
Nhiều quốc gia đã phản đối dự án này, trong đó có Ukraine, do sợ mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt của Nga.
Hồi tháng 5/2018, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã chỉ trích Dòng chảy Phương Bắc 2 là "vũ khí năng lượng” nhằm chống lại EU và NATO.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Morawiecki đã thừa nhận rằng không thể ngăn cản nổi dự án Dòng chảy Phương Bắc 2. “Có thể nói rằng Nga và Đức là hai cường quốc, vì vậy không dễ dàng để cấm họ làm bất cứ điều gì", ông Morawiecki nói.
Ngoài ra, Estonia, Latvia, Slovakia, Romania, Litva và Croatia đã lên tiếng phản đối dự án này do các vấn đề an ninh năng lượng.
Trong khi đó, Mỹ có kế hoạch đầy tham vọng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu.