Họ kỳ vọng bà Clinton sẽ tiếp nối ”di sản” ngoại giao của Tổng thống Barack Obama: Thỏa thuận hạt nhân Iran, từ đó mở cơ hội cho châu Âu tiếp cận thị trường Trung Đông này. Đặc biệt, trong nửa năm sau, một khi chiến thắng, bà Clinton có thể thúc đẩy cơ hội tái đắc cử của Tổng thống Iran Hassan Rouhani vào tháng 5 năm 2017.
”Nếu bà Clinton và ông Rouhani cùng chiến thắng, chúng ta sẽ có cơ hội lớn hơn hiện nay”, theo Matthieu Etourneau, cố vấn về thị trường Iran của tổ chức MEDEF International (Pháp).
”Đây là điều các ngân hàng và doanh nghiệp châu Âu đang chờ đợi”, ông nói.
Hồi tháng 1, khi Mỹ và châu Âu chính thức dỡ bỏ các lệnh trừng phạt liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran, sự hào hứng của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu xuất hiện rõ ràng.
Với dân số 78 triệu người và GDP thường niên cao hơn cả Thái Lan - thị trường châu Á đang trỗi dậy, Iran là một trong những nền kinh tế lớn nhất tham gia hệ thống tài chính và thương mại quốc tế kể từ năm 1991, sau khi Liên minh Soviet tan vỡ.
Các giới chức châu Âu đã tới Tehran cùng hàng chục doanh nghiệp. Tổng thống Rouhani cũng đang trên lộ trình giảm các chính sách bế quan tỏa cảng, thực hiện các chuyến thăm tới Paris và Rome để thu hút các nhà đầu tư.
Trở ngại lớn nhất của các doanh nghiệp châu Âu khi khám phá thị trường Iran vẫn là sự thiếu hòa nhập của Tehran với hệ thống tài chính quốc tế. Các nhà băng liên lục địa vẫn e ngại về tương lai của thỏa thuận Iran.
Tuy nhiên, chiến thắng của bà Clinton có thể là tín hiệu làm an tâm các doanh nghiệp châu Âu. Cố vấn thân cận của bà Clinton là nhân vật chủ chốt trong quá trình bí mật đàm phán thỏa thuận Iran.
Tỷ phú Donald Trump, ngược lại, từng gọi đây là ”một trong những thỏa thuận tồi tệ nhất” và hứa sẽ tái đàm phán một khi đắc cử.