Hành khách chuẩn bị lên chuyến bay du lịch đầu tiên từ Anh đến Bồ Đào Nha sau khi lệnh hạn chế vì Covid-19 được dỡ bỏ hôm 17/5. Ảnh: AP |
Không chỉ Anh, hàng loạt quốc gia châu Âu khác cũng bắt đầu mở cửa trở lại. Tại Pháp, bắt đầu từ 19/5, các nhà hàng được mở trở lại để phục vụ khách ngoài trời sau hơn 6 tháng phải đóng cửa. Các rạp hát, rạp chiếu phim, bảo tàng cũng được mở cửa để đón một lượng khách nhất định. Hà Lan cũng cho mở lại các công viên giải trí, vườn thú, đồng thời cho các nhà hàng, quán bar phục vụ khách ngoài trời được đóng cửa muộn hơn 2 tiếng so với trước kia. Tại Italia, giờ giới nghiêm cũng được lùi xuống 23 giờ, so với mốc 22 giờ trước kia, đồng thời các bãi biển cũng đã được hoạt động trở lại bình thường từ cuối tuần qua. Từ ngày 17/5, Bồ Đào Nha chính thức mở cửa đón toàn bộ du khách các nước châu Âu đến nước này mà không phải cách ly, với điều kiện xuất trình xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.Ngành du lịch châu Âu đang rất mong đợi được dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế về phòng dịch. Những nước phụ thuộc nhiều nhất vào lĩnh vực này đã phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Đơn cử như Hy Lạp đã trải qua “năm du lịch tồi tệ nhất trong lịch sử” vào năm ngoái, khi chỉ đón tiếp được 7 triệu lượt du khách so với con số kỷ lục 33 triệu lượt trong năm trước đó. Tại Hy Lạp, kể từ ngày 15/5, du khách nước ngoài đã được phép nhập cảnh nếu đã tiêm phòng hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Các bảo tàng ở nước này, bao gồm cả Thành phòng thủ của Athen, cũng được mở cửa lại từ ngày 16/5 sau 6 tháng phải đóng cửa và tuân thủ các quy định phòng dịch.Tuy nhiên, giới chức y tế nhiều nước châu Âu cảnh báo, việc nới lỏng các hạn chế dịch bệnh trong thời điểm này có thể là quá sớm, bởi trong trường hợp dịch bệnh với các chủng mới bùng phát, các chính phủ sẽ rất khó kiểm soát trở lại. Chẳng hạn, việc bùng phát số ca nhiễm biến thể virus từ Ấn Độ tại một số vùng của nước Anh trong vài ngày qua đang là nỗi lo ngại lớn dần. Theo số liệu của cơ quan y tế Anh, tính đến ngày 17/5, đã có 2.323 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 biến thể Ấn Độ được phát hiện tại Anh, cao gấp 2 lần chỉ trong vài ngày. “Đa số những người nhập viện vì nhiễm virus biến thể là những người thuộc nhóm được tiêm vaccine nhưng lại chưa tiêm. Biến thể virus này không có xu hướng xâm nhập vào các nhóm cao tuổi đã được tiêm vaccine, nên điều này cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của việc tiêm chủng, nhất là trong các nhóm có nguy cơ cao” - Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết trong tuyên bố khẩn cấp, kêu gọi người dân các vùng dịch phải tiêm vaccine ngừa Covid-19 sớm nhất có thể.