Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Âu tiếp tục chia rẽ vì vaccine ngừa Covid-19

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đã chỉ trích việc phân bổ vaccine trong khối 27 quốc gia, nói rằng một số quốc gia đang nhận được nhiều hơn số phần “đáng ra họ nhận được”.

Liên minh châu Âu đang cố gắng thể hiện sự đoàn kết chung trong vấn đề tiêm chủng ngừa Covid-19 giữa các quốc gia thành viên, sau 1 tuần đàm phán về việc phân phối liều lượng vaccine bổ sung.
Cuối ngày 1/4, một thỏa thuận về phương thức phân phối một lô 10 triệu liều vaccine của Pfizer-BioNTech cho Bulgaria, Croatia, Estonia, Latvia và Slovakia đã đạt được. Trong khi Áo, cùng với Cộng hòa Séc và Slovenia, không có thêm liều bổ sung.
 Châu Âu khó khăn trong đạt đồng thuận về việc phân phối vaccine ngừa Covid-19 giữa các thành viên trong khối. Ảnh: Xinhua
5 quốc gia EU (Bulgaria, Croatia, Estonia, Latvia và Slovakia) vất vả nhất trong triển khai tiến trình tiêm chủng cuối cùng đã nhận thêm được số vaccine bổ sung. Tuy nhiên, việc 3 quốc gia châu Âu bao gồm Áo, Cộng hòa Séc và Slovenia không tham gia thỏa thuận vẫn cho thấy những khó khăn của quá trình bàn thảo thống nhất, trong bối cảnh các ca nhiễm Covid-19 đang tăng trở lại ở một số quốc gia châu Âu.
Tại một hội nghị thượng đỉnh của EU vào tuần trước, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đã chỉ trích việc phân bổ vaccine trong khối 27 quốc gia, nói rằng một số quốc gia đang nhận được nhiều hơn số phần “đáng ra họ nhận được”, và khiến các quốc gia khác phải gánh phần chi phí đó. Hiện các nhà lãnh đạo EU vẫn không thống nhất được cơ chế điều chỉnh cho tỷ lệ phân bổ vaccine. Các đại sứ EU sẽ tiếp tục bàn thảo về vấn đề này. 
Theo chương trình mua sắm chung do Ủy ban Châu Âu thiết lập, số lượng vaccine cho các nước thành viên được phân bổ trên cơ sở tỷ lệ góp vốn, nhưng một số quốc gia hiện đang nhận được ít hơn phần họ góp vốn. Phần lớn các thành viên EU cho rằng hệ thống này đang hoạt động tốt, nhưng cũng cho rằng một số nước sai lầm khi tập trung vào vaccine của hãng AstraZeneca thay vì đa dạng hóa danh mục vaccine. 
Lý do là các mũi tiêm của AstraZeneca rẻ và dễ xử lý hơn so với vaccine của Pfizer-BioNTech hoặc Moderna. Hãng AP nhận định EU vẫn chậm chân hơn so với các quốc gia như Vương quốc Anh và Mỹ trong vấn đề này.