Kinhtedothi - Cứ theo những phát biểu công khai của cả phía Nga lẫn phía Nhật Bản cho thấy chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã rất thành công.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Ảnh: AP.
Đối với mối quan hệ song phương giữa hai nước này thì rất có thể như vậy. Nhưng đối với mối quan hệ giữa nhóm G7 nói chung - mà Nhật Bản hiện là Chủ tịch đương nhiệm thì chắc chắn không phải như vậy. Nhiều năm trước, G7 đã kết nạp Nga thành G8 và G8 này lại trở thành G7 xưa kể từ khi Nga tiếp nhận Crimea. Các thành viên của G7 xưa trong G8 đã khôi phục lại G7 để cô lập Nga về chính trị đồng hành với những biện pháp của Mỹ, EU và một số nước khác, trong đó có cả Nhật Bản, trừng phạt Nga về kinh tế, tài chính và thương mại. Ông Abe là người đầu tiên trong số những người đứng đầu nhà nước và Chính phủ các nước thành viên G7 tới Nga gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ khi có chuyện xảy ra với Crimea.
Vì Nga không buông Crimea nên khả năng G8 được khôi phục gần như không còn cả về lý thuyết lẫn trên thực tế. Vì chuyện xảy ra ở Ukraine và với Crimea mà Nga với Mỹ, EU và các thành viên khác trong G7 đã không còn quan hệ hợp tác gắn bó, tin cậy và hiệu quả như trước. Hai bên đã trở nên quá xa lạ với nhau nên không còn có thể lại cùng hội cùng thuyền. Cái câu ngạn ngữ "Châu về Hợp Phố" không còn cơ hội để thích hợp cho việc ám chỉ Nga và G7 cùng nhau khôi phục G8. Hiện tại, G7 hoàn toàn không đặt ra vấn đề khôi phục G8 và phía Nga tuy không nói ra công khai nhưng trong thâm tâm cũng thừa hiểu rằng sẽ không cho chuyện G7 mời Nga tham gia một lần nữa để khôi phục G8.
Ông Abe đi Nga bất chấp mọi cản ngăn từ phía các thành viên khác của G7, đặc biệt Mỹ, vì chuyện quan hệ song phương và để chuẩn bị cho hội nghị cấp cao sắp tới của G7 mà Nhật Bản đăng cai tổ chức. Bởi trong suy tính của Nhật Bản hiện tại chuyện chính trị thế giới và khu vực nào mà G7 muốn bàn thảo đến và muốn gây dựng vai trò đều không thể không cần đến sự tham gia một cách xây dựng của Nga nên ông Abe mới tìm cách cải thiện quan hệ với Nga trong khi chưa dỡ bỏ được những biện pháp trừng phạt Nga. Trên chương trình nghị sự của hội nghị cấp cao sắp tới của G7 có vấn đề Ukraine và cuộc chiến tranh ở Syria, có cuộc chiến chống khủng bố và chuyện chính trị an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số vấn đề toàn cầu nữa. Không có sự tham dự của Nga trong khi giải pháp cho những vấn đề ấy không thể không có vai trò của Nga, sự kiện lớn của G7 sẽ khó thành công và thể diện của Nhật Bản cũng như uy danh cá nhân ông Abe có nguy cơ bị tổn hại. Cái khó đối với ông Abe là gây dựng lại được sự hợp tác giữa G7 và Nga nhưng không để phía Nga cảm nhận là G7 yếu thế và để ngỏ việc khôi phục G8 trong tương lai.