KTĐT - Ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tây Nam Á, Bộ Công Thương cho biết châu Phi là thị trường có nhiều tiềm năng để phát triển quan hệ kinh tế, thương mại và hợp tác công nghiệp với Việt Nam.
Mặc dù còn nghèo, có sự chênh lệch lớn giữa các nước có nền kinh tế phát triển và các nước nghèo, nhưng nhờ có nguồn thu từ xuất khẩu nhiều loại tài nguyên quý và có dân số đông, nên châu Phi hiện là thị trường có sức mua khá mạnh. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hợp tác, trao đổi thương mại để mở rộng hơn nữa thị trường này.
Những thông tin đánh giá trên, được ông Hùng đưa ra tại hội thảo về “Quản lý rủi ro trong trao đổi thương mại với các nước châu Phi” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 8/3 tại Hà Nội.
Theo Vụ Tây Nam Á, trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và châu Phi tăng trưởng khá nhanh, trung bình trên 30%/năm.
Năm 2010, xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi đạt 1,79 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2009 và tăng hơn 10 lần so với năm 2001.
Việt Nam đã có quan hệ xuất khẩu với hầu hết 54 quốc gia châu Phi. Các thị trường xuất khẩu quan trọng hiện nay gồm Nam Phi, Ai Cập, Cote d'Ivoire, Senegal, Angola.
Cơ cấu mặt hàng xuất, nhập khẩu ngày càng đa dạng hơn. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chính sang châu Phi là gạo, đá quý, dệt may, thủy sản, càphê... Việt Nam thường nhập khẩu từ châu Phi hạt điều, sợi bông, đồ gỗ...
Đến nay, Việt Nam đã ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật với một số nước của châu Phi. Sau khi Việt Nam là thành viên của WTO, thuận lợi nhất để đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi là hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan.
Mặc dù vậy, châu Phi vẫn là khu vực mà Việt Nam có mức trao đổi thương mại thấp nhất so với các khu vực thị trường khác. Việt Nam thường xuất siêu, giá trị xuất khẩu sang châu Phi thường cao gấp nhiều lần giá trị hàng hóa nhập khẩu từ châu Phi.
Những trở ngại khi thực hiện trao đổi thương mại với châu Phi mà Việt Nam đang gặp phải, đó là khoảng cách địa lý xa xôi, hạ tầng cơ sở thông tin liên lạc còn yếu, xuất khẩu vẫn còn qua trung gian, chi phí thương mại cao... Một số sản phẩm khi xuất khẩu phải theo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu và phải có xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao của nước mua ở nước ngoài. Trong quá trình giao dịch, các doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn về ngôn ngữ, cách thức soạn thảo hợp đồng và giải quyết các tranh chấp phát sinh...
Theo Bộ Công Thương, trong thời gian tới Việt Nam sẽ tập trung đẩy mạnh hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực như thăm dò, khai thác dầu khí, hóa chất, sản xuất hàng tiêu dùng; xây dựng các nhà máy sản xuất tại chỗ để tận dụng nguyên liệu sẵn có, nhân công giá rẻ, giảm chi phí vận chuyển và được hưởng những ưu đãi về thuế quan; đồng thời đa dạng hóa cơ cấu xuất nhập khẩu, chủ động trong chiến lược tiếp cận và mở rộng thị trường.
Cùng với đó là việc nâng cao hiệu quả của các chương trình xúc tiến thương mại hai chiều, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu và mở rộng thị trường tại các nước châu Phi, Việt Nam cũng sẽ xem xét mở các trung tâm giới thiệu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tại một số thị trường trọng điểm ở châu Phi; tăng cường xuất khẩu hàng hóa hai chiều để tăng hiệu quả hoạt động thương mại./.