Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Phi: "Thiên thần" của những phụ nữ bị lạm dụng tình dục

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Suốt 13 năm nội chiến, Congo vẫn chưa có lấy một ngày bình yên và bác sỹ Mugwege vẫn tiếp tục con đường mà ông theo đuổi - hàn gắn vết thương sâu trên thân thể và tâm hồn của những người phụ nữ là nạn nhân của vấn nạn bạo hành tình dục.

KTĐT - Suốt 13 năm nội chiến, Congo vẫn chưa có lấy một ngày bình yên và bác sỹ Mugwege vẫn tiếp tục con đường mà ông theo đuổi - hàn gắn vết thương sâu trên thân thể và tâm hồn của những người phụ nữ là nạn nhân của vấn nạn bạo hành tình dục.

Cuộc nội chiến tại Cộng hòa Dân chủ Congo nhiều năm qua đang khiến cuộc sống nơi đây trở thành địa ngục với hàng nghìn phụ nữ, đặc biệt những người bị biến thành nô lệ tình dục và bị xâm hại nặng nề.

Nhưng nhiều người trong số đó sau những ngày tháng đen tối đã may mắn tìm lại được nụ cười tại một nơi được gọi là "thiên đường" và từ một vị bác sỹ mà họ gọi là "Thiên thần vùng Bukavu".

Hàn gắn nỗi đau

"Tại sao cuộc đời phụ nữ châu Phi lại bị rẻ rúng đến vậy?" - Đó là câu hỏi mà bác sỹ Denis Mukwege, con trai một vị linh mục, tự hỏi hàng ngày khi không ngày nào ông không phải chứng kiến số phận thương tâm của những phụ nữ bị hãm hiếp hay tổn thương thân thể được đưa vào Bệnh viện Panzi, nơi ông đang làm việc. Hầu hết phụ nữ tại đây đến từ những ngôi làng hẻo lánh đã bị tổn thương nặng nề cả về thể chất và tinh thần do bị tra tấn và ngược đãi tình dục, từ người già, phụ nữ trẻ, cho đến những bé gái còn rất nhỏ.

Suốt 13 năm nội chiến, Congo vẫn chưa có lấy một ngày bình yên và bác sỹ Mugwege vẫn tiếp tục con đường mà ông theo đuổi - hàn gắn vết thương sâu trên thân thể và tâm hồn của những người phụ nữ là nạn nhân của vấn nạn bạo hành tình dục. Không chỉ đơn thuần là một bác sỹ phẫu thuật, bác sỹ Mugwege còn giúp những phụ nữ bị tổn thương tiếp tục các liệu pháp điều trị về tinh thần khác tại một nơi có lẽ là duy nhất tại quốc gia châu Phi này - "Thành phố của niềm vui". Khoảng sân rộng phía sau bệnh viện luôn là nơi rộn ràng tiếng trống, tiếng nhạc của những người phụ nữ trở về từ cõi chết và khi hoàn thành vào cuối năm nay "Thành phố của niềm vui" sẽ là tòa nhà với phòng học, nơi sinh sống, hội hè dành riêng cho phụ nữ, để họ có thể học thêm những kỹ năng sống mới và hòa nhập cộng đồng.

"Bạn có nhìn thấy những phụ nữ kia không?" - bác sỹ Mugwege vừa nói vừa chỉ tay về những phụ nữ đang say sưa trên công trường của tòa nhà "hi vọng" - "Những gì họ đang làm và lời hát của họ là những điều họ muốn nói: Chúng tôi phản đối. Chúng tôi sẵn sàng bỏ lại tất cả để hướng tới cuộc sống tự do. Cuộc chiến vẫn tiếp diễn nhưng họ đang thay đổi và biết rằng chính họ là chủ thể của một cuộc cách mạng đang bắt đầu".

Vị bác sỹ đã từng được một tờ báo ở Nigeria bầu chọn là "Người châu Phi của năm 2009" cho biết thêm rằng, không ít phụ nữ sau khi được điều trị tại đây không muốn về quê và tha thiết được làm việc lau dọn hay bất cứ việc gì. "Một người phụ nữ chạy đến tôi và nói rằng lần đầu tiên cô ấy được mặc một cái quần đúng nghĩa và xin ở lại. Tôi hiểu điều họ suy nghĩ, nhưng tôi luôn nói với họ rằng họ nên có những mục tiêu tham vọng hơn bởi họ hoàn toàn có thể làm được những việc mà đàn ông đang làm, nếu sẵn sàng quay lại đây để học thêm các kỹ năng mới".

Yêu thương nhiều hơn

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, chỉ riêng tỉnh Kivu năm 2006 đã có tới 27.000 vụ hiếp dâm và bạo lực tình dục, đưa Congo trở thành quốc gia có tình trạng xâm hại nặng nề nhất trên thế giới. Cho đến nay đã có khoảng nửa triệu phụ nữ ở Kivu bị làm nhục, tức là trung bình 40 phụ nữ trở thành nạn nhân trong một ngày tại tỉnh này. "Nhiều phụ nữ và bé gái đều bị hiếp dâm tập thể và hành hạ quá sức cho đến khi kiệt sức và chết sau đó", một báo cáo của Liên Hợp Quốc phân tích.

Văn phòng làm việc của bác sỹ Mugwege treo đầy những bằng khen, giải thưởng quốc tế dành cho những nỗ lực của ông trong suốt thời gian qua, nhưng với ông tất cả chẳng nói lên được điều gì. "Tình hình vẫn đang rất xấu bởi hàng ngày vẫn có những phụ nữ nhập viện trong tình trạng suy kiệt vì bị hãm hiếp suốt 24-48 tiếng đống hồ. Tôi không phải là thánh và sẽ chẳng có giải pháp nào cho phụ nữ Congo nếu cuộc chiến vẫn tiếp tục", bác sỹ Mugwege vừa nói vừa chỉ tay về phía cô bé Ruth 13 tuổi trước đó bị bắt trong rừng và bị treo lên cành cây để phục vụ cho một toán lính hàng ngày. Cô bé chỉ là một trong rất nhiều nạn nhân nhỏ tuổi nhập viện trong tình trạng hoảng loạn và cho dù cứu được mạng sống cô bé, bác sỹ Mugwege vẫn không dám chắc mình có thể giúp xóa tan những ám ảnh đau thương.

Điều khiến vị bác sỹ được mệnh danh là "thiên thần" cảm thấy hài lòng nhất là sự thay đổi trong cách nghĩ và cách sống của những người phụ nữ này: "Một cuộc cách mạng mới bắt đầu vì những người phụ nữ của tôi đã biết học cách tồn tại thay vì chấp nhận số phận. Tôi luôn nói với họ rằng họ là phụ nữ, họ mạnh mẽ hơn bất kỳ ai khác. Cuộc chiến có thể sẽ còn kéo dài, nhưng chỉ cần một nụ cười, một cử chỉ thân thiện, để họ biết là họ đang được yêu thương, chúng ta đã làm được rất nhiều rồi".