KTĐT - Hơn 2 triệu người dân Ethiopia đang rơi vào tình trạng thiếu lương thực trầm trọng do hạn hán kéo dài vì biến đổi khí hậu.
Cơ quan nhân đạo Liên hợp quốc (UNOCHA) dự báo mùa mưa ở Ethiopia (từ tháng 3 đến tháng 5) có thể không cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho canh tác và nuôi trồng. Trong khi đó, giá thực phẩm và xăng dầu tăng cao càng làm tình trạng thiếu lương thực thêm trầm trọng.
Tình trạng hạn hán cũng làm giảm chất lượng thịt gia súc gia cầm, khiến giá các sản phẩm này sụt giảm, cộng với nhu cầu nhập khẩu thịt gia súc của các quốc gia Arập giảm mạnh đã ảnh hưởng đến thu nhập của người chăn nuôi.
UNOCHA cho rằng để bù đắp sự thiếu hụt về lương thực do tình trạng hạn hán gây ra, Ethiopia cần được viện trợ số lương thực trị giá 75 triệu USD.
Năm 2010, Ethiopia nhận hơn 4 tỷ USD viện trợ và là một trong những quốc gia nhận viện trợ nước ngoài lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, phát biểu tại Quốc hội mới đây, Thủ tướng Ethiopia Meles Zenawi cho rằng Ethiopia có thể không cần nhận viện trợ lương thực nước ngoài trong vòng năm năm tới, nếu nước này triển khai thành công kế hoạch phát triển kinh tế đầy tham vọng với mục tiêu tăng trưởng hơn 14%.
Trong giai đoạn 2006-2010, nền kinh tế nước này đã đạt tăng trưởng 11% và là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển cao nhất tại châu Phi. Tuy nhiên, ảnh hưởng nặng nề của thiên tai có thể làm cho chương trình phát triển kinh tế của Ethiopia không đạt kết quả và mục tiêu đề ra.
Tại Nigeria, gần 3 triệu người cũng đang phải đối mặt với nạn thiếu lương thực vì sâu bệnh và hạn hán phá hại mùa màng trong hàng thập kỷ qua.
Theo một tuyên bố của Chính phủ Nigeria, vấn đề thiếu lương thực đã ảnh hưởng đến gần 3 triệu người, chiếm gần 17% dân số nước này và con số này có thể tăng lên nếu hạn hán và sâu bệnh tiếp tục diễn ra.
Nigeria là một trong những quốc gia sản xuất urani hàng đầu thế giới, nhưng cũng nằm trong số các quốc gia nghèo nhất với khoảng 17 triệu người, chiếm 2/3 dân số, có mức sống dưới 1 USD/ngày.
Tình trạng mất mùa xảy ra thường xuyên ở quốc gia Tây Phi này và năm 2010, các nhà tài trợ đã phải viện trợ hơn 250 triệu USD cho nước này./.