Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chế biến nông sản: Cần có doanh nghiệp đầu tàu

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, giải quyết tình trạng nông sản ùn ứ khi vào vụ thu hoạch, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực chế biến nông sản, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Chế biến nông sản tại Công ty CP Hưng Việt. Ảnh: Trần Dũng
Thiếu và yếu
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, toàn TP có 2.689 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản, trong đó có 400 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến. Cùng với việc đầu tư công nghệ chế biến sâu, DN đã thay đổi nhận thức về quản lý và giám sát an toàn thực phẩm trong toàn bộ quy trình sản xuất. Đồng thời, xây dựng nguồn lao động trẻ có khả năng tiếp thu khoa học, kỹ thuật. Hiện tại, công nghiệp chế biến nông sản đã và đang giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động ở khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, phần lớn cơ sở hoạt động chế biến nông sản của Hà Nội còn nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ chế biến thủ công và bán tự động. Qua khảo sát chỉ có khoảng 10% DN có quy trình sản xuất khép kín tự động và khoảng 20% áp dụng tốt chương trình quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm. Khả năng chế biến của một số ngành hàng chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là vào cao điểm của mùa vụ rau, quả. Chủng loại sản phẩm chế biến chưa phong phú. Việc liên kết giữa công nghiệp chế biến với sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ còn lỏng lẻo. Mặt khác, cơ chế chính sách của Nhà nước về đất đai, tín dụng... chưa đủ hấp dẫn để thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản.

Giám đốc Công ty CP Smart Agri Việt Nam Lưu Thị Thảo chia sẻ, công ty đang kinh doanh các loại rau, củ, quả nhưng dưới dạng thô hoặc qua sơ chế. Trong khi đó thị trường đang có xu hướng sử dụng các sản phẩm chế biến tinh. Rào cản của công ty là thiếu nguồn vốn đầu tư nhà xưởng, công nghệ chế biến hiện đại.

Gắn chế biến với chuỗi liên kết

Hà Nội đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 50% số cơ sở sơ chế, chế biến các sản phẩm rau, củ, quả, thịt, trứng, sữa… sử dụng máy móc, trang thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ cao, bảo quản sản phẩm theo quy trình quản lý chất lượng tiên tiến. Đến năm 2030, TP sẽ hình thành 15 cơ sở chế biến nông sản gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ hiện đại, có năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; phát triển một khu phức hợp chế biến, bảo quản, kiểm định một cửa hỗ trợ sản phẩm xuất khẩu.

Để đạt mục tiêu trên, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ cơ cấu lại ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp theo hướng gắn với phát triển vùng nguyên liệu tập trung và tiêu thụ sản phẩm. Về phía các DN cần tổ chức liên kết sản xuất trong chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm để nâng cao khả năng cung cấp nguyên liệu cho khâu chế biến, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, ổn định mặt hàng. Ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát quá trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản. Đồng thời, lựa chọn các DN đầu tàu có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ, thị trường để dẫn dắt chuỗi liên kết.
Cùng với khuyến khích DN đầu tư chế biến nông sản, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ chế biến, bảo quản nông sản; nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo đảm an toàn thực phẩm; đẩy mạnh phát triển thị trường, xúc tiến thương mại và đào tạo nâng chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của ngành chế biến nông sản.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ