Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chen nhau ở các điểm vui chơi

Phạm Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù thời tiết những ngày đầu tháng 6 khá nắng nóng nhưng các khu vực như Trung tâm thương mại, khu vui chơi, giải trí ở Hà Nội, người lớn trẻ nhỏ chen chúc xếp hàng chờ mua vé hoặc đến lượt chơi. Trẻ em tưởng được vui chơi nhưng lại bị cảnh chen chúc, ngột ngạt vì lượng người quá tải.

 Ngày 2/6, khu vực hồ bơi của Công viên nước Hồ Tây người người chen nhau bơi. Ảnh: Phạm Quý
Công viên nước Hồ Tây hoạt động hết công suất
Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, trong ba ngày từ 1 – 3/6, lượng khách tập trung về Công viên nước Hồ Tây lên tới hàng vạn người. Đặc biệt, vào giờ cao điểm, số khách đến vui chơi có thể lên tới 5.000 người cùng lúc. Vào các buổi chiều, khu vực bán vé, gian hàng cho thuê đồ bơi, các quán ăn uống tập trung khá nhiều người dân.

Theo nhân viên soát vé tại Công viên nước Hồ Tây, du khách tới đây tập trung chủ yếu ở độ tuổi nhi đồng vì đây là khoảng thời gian mới bước vào kỳ nghỉ Hè. Ngoài ra, do vẫn còn dư âm không khí của ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 nên số lượng trẻ em được gia đình đưa đến có phần đông hơn hẳn ngày thường. Lượng khách trung bình từ 5.000 – 6.000 khách/ngày (ngày thường) và trên 10.000 khách/ngày (ngày lễ và thứ Bảy, Chủ nhật).
Giá vé dao động từ 120.000 – 160.000 đồng/vé tùy dịp. Đặc biệt, vào khung giờ 17 giờ tất cả các ngày trong tuần, Công viên nước Hồ Tây cho mở cửa giảm giá vé với mức ưu đãi 90.000 đồng/người khiến lượng khách tập trung vào thời điểm này luôn cao điểm, tất cả nhân viên tại khu vui chơi đều phải hoạt động hết công suất.

“Từ 4 giờ sáng, gia đình tôi di chuyển 90km từ Bắc Giang về Hà Nội để cho 2 đứa nhỏ được xả hơi sau năm học. 7 giờ sáng có mặt ở Công viên nước Hồ Tây mà xếp hàng đến hơn một tiếng mới qua được cổng. Vào đến nơi chờ có chỗ thay đồ bơi cũng đến cả tiếng. Ra khu vực hồ bơi thì chỉ thấy người là người, còn đâu khoảng trống để bơi lội” – anh Phạm Quyền (Bắc Giang) chia sẻ.
 Phụ huynh cùng các em nhỏ chen chúc giữa trời nắng chờ đến lượt vào xem chương trình xiếc tại Rạp Xiếc T.Ư. Ảnh: Minh Hoàng
Điểm vui chơi quá tải

Cũng trong tình trạng chen chúc, Rạp Xiếc T.Ư (71 Trần Nhân Tông) ngày thường vắng vẻ, nhưng trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, cả trăm người lớn trẻ nhỏ đứng xếp hàng vào xem, ầm ĩ ngột ngạt như “ong vỡ tổ”. Vào khung giờ cao điểm, từng hàng dài người nối đuôi nhau xếp hàng mua vé. Theo chia sẻ của anh Văn Thành – nhân viên rạp xiếc, rạp có số ghế với sức chứa khoảng 1.500 chỗ ngồi nhưng toàn bộ vé phát ra được bán hết trước giờ biểu diễn từ 15 – 30 phút tùy vào từng thời điểm. Đôi khi vé được bán hết trước giờ biểu diễn nhiều giờ đồng hồ. “Liên đoàn Xiếc đã tăng lên 5 suất diễn trong một ngày liên tục từ 8 giờ 30 phút sáng nhưng lượng khán giả đến rạp vẫn rất đông, hơn hẳn mọi năm. Mỗi ngày rạp đón nhận từ 6.000 - 10.000 lượt khán giả” – anh Thành cho biết.

Ngoài ra, tại một số trung tâm thương mại, khu vui chơi, tham quan và giải trí khác của Thủ đô trong 3 ngày cao điểm vừa qua cũng ghi nhận tình trạng quá tải vì nhu cầu vui chơi của các gia đình quá cao. Trong đó, tại 4 cổng của Công viên Thủ Lệ Hà Nội nườm nượp người qua lại, xếp hàng mua vé. Theo nhân viên soát vé cổng phía đường Kim Mã, lượng khách đổ về tăng mạnh là do đúng dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6 và bắt đầu bước vào kỳ nghỉ Hè của học sinh.

Bên cạnh đó, tại các khu vực vui chơi dành cho trẻ em trong các trung tâm thương mại lớn như Vincom, BigC hay IPH (Xuân Thủy, Cầu Giấy) đều thu hút rất đông các em nhỏ cùng bố mẹ. Các khu đặc biệt tập trung đông như World Games tại Vincom Bà Triệu hay Tini World tại Trung tâm thương mại IPH để thu hút khách tham quan, đều đưa ra những ưu đãi đặc biệt và nhiều hoạt động với các phần quà hấp dẫn.
Ngoài ra, tại các rạp chiếu phim trên địa bàn Hà Nội như: Trung tâm chiếu phim Quốc gia, CGV, BHD hay Lotte Cinema… cũng đón hàng vạn khách mỗi ngày. Các trung tâm cũng đưa ra những suất chiếu từ 9 giờ tới 20 giờ hàng ngày với nhiều thể loại phim hoạt hình, hài hước và giáo dục tâm lý cho trẻ nhỏ. Những phim được đặc biệt chú ý bao gồm: “Doremon Nobita và đảo giấu vàng”, “Đảo của những chú chó” và “Ong Nhí phiêu lưu ký”... Với tình trạng quá tải ở các điểm vui chơi để thấy Hà Nội còn quá ít các sân chơi dành cho thiếu nhi.