Nhiều địa phương “đau đầu”Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở Sóc Sơn lên tới 120 trẻ trai/100 trẻ gái, Quốc Oai, Mỹ Đức là 117 bé trai/100 bé gái được sinh ra. Bà Trần Thị Thúy Miên - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn - địa phương có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất của Hà Nội hiện nay chia sẻ, nhiều năm qua, huyện đã triển khai, phối hợp triển khai tuyên truyền với hình thức rất đa dạng, tập trung vào các xã có mức chênh lệch giới tính cao. Song nhìn lại từ năm 2010 đến nay, nhiều xã như Tân Dân, Việt Long, Tiên Dược, thị trấn Sóc Sơn… tỷ số giới tính hầu như không giảm hoặc trồi sụt, năm nay giảm thì năm sau lại cao. Đây cũng là vấn đề khiến địa phương rất… đau đầu.
Theo thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giới tính khi sinh của Hà Nội đã giảm, hiện tỷ lệ chênh lệch là 112,8 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2015 là 114,5 trẻ trai/100 trẻ gái). Dự kiến đến hết năm 2019, tỷ số này không quá 113 trẻ trai/100 trẻ gái như chỉ tiêu đã đặt ra. |
Chi cục Trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội Tạ Quang Huy cho biết, từ đầu năm đến nay, Chi cục DS-KHHGĐ các quận huyện, thị xã của Hà Nội đã thực hiện lồng ghép truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh tại 584 xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, ngành DS-KHHGĐ cũng tổ chức thực hiện các hoạt động mô hình chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi có con một bề là gái tại 4 quận, huyện có nhiều người sinh con một bề là gái: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Thường Tín; tổ chức tập huấn cho 1.200 cộng tác viên nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông, kiến thức về giới, bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh tại các địa bàn có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh còn ở mức cao như Sóc Sơn, Phú Xuyên, Thường Tín...
Khó phát hiện phòng khám vi phạmCũng theo ông Huy, công tác quan trọng hàng đầu để giảm mất cân bằng giới tính khi sinh là vận động, tuyên truyền, giáo dục thay đổi nhận thức của người dân, các cặp vợ chồng trẻ về bất bình đẳng giới tính... Đồng thời, các quận, huyện, thị xã cần đẩy mạnh việc giám sát, xử lý các cơ sở cung cấp dịch vụ siêu âm chẩn đoán giới tính khi sinh, nhất là ở các phòng khám tư. Song biện pháp này dường như cũng không phát huy được hiệu quả. Đây là hành vi vi phạm quy định nhưng thực tế rất khó phát hiện. Dù TP đã phân cấp rất rõ cho các quận, huyện trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các cơ sở cung cấp dịch vụ siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi nhưng 6 tháng đầu năm nay, 30 quận, huyện đều không phát hiện trường hợp nào vi phạm.
Đối với Chi cục DS-KHHGĐ cũng đã đi phúc tra và kiểm tra điểm tại một số nơi. “Thậm chí, chúng tôi đã cử cán bộ đóng vai khách hàng để thị sát tại một số cơ sở cung cấp dịch vụ y tế nhưng cũng không phát hiện được vi phạm. Phải nói việc phát hiện rất khó vì các cơ sở đều lách luật rất tinh vi” - ông Tạ Quang Huy nói. Cũng theo ông Tạ Quang Huy, tới đây, đơn vị này sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra tại một số nhà sách trên địa bàn TP, nếu phát hiện các tài liệu, sách hướng dẫn lựa chọn giới tính thai nhi, đoàn liên ngành sẽ xử lý nghiêm.
Ông Huy cho rằng, định kiến giới, trọng nam, khinh nữ là nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh. Đặc biệt, Việt Nam phát triển công nghệ siêu âm xác định giới tính trước sinh khiến tình trạng mất cân bằng giới tính càng tăng. Mất cân bằng giới tính khi sinh ảnh hưởng xấu tới cấu trúc dân số trong tương lai, dẫn tới tình trạng dư thừa nam giới trong xã hội. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ có từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ.