Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Chết” vì sĩ diện

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Không ít bạn trẻ vì muốn “long lanh” hơn dưới mắt bạn bè đã khoác lên mình nhiều loại “nước sơn” vật chất dễ dàng “bong tróc”.

“Chết” vì sĩ diện!

Tuy gia đình không quá khá giả nhưng N.T.K. thích mua sắm đồ đạc thật đắt tiền để bạn bè trong nhóm “lác mắt”. Lên lớp 10, K. đòi mẹ mua điện thoại di động gần 20 triệu đồng, ít lâu sau lại đòi đổi “dế” mới sành điệu hơn, và hè vừa rồi bán luôn để bao cả nhóm bạn đi du lịch.

Trong nhóm này còn có M. cũng muốn đua với K., nhưng vì ba mẹ không cho tiền nên M. mượn bạn bè, vẫn chưa đủ nên M. đã ăn cắp tiền của một bạn trong lớp. Bị phát hiện, M. muối mặt vì nhiều bạn biết hành vi xấu của M..

Chuyên viên tâm lý Lê Thị Minh Hoa còn có trải nghiệm với một bạn trẻ hay “ăn mày dĩ vãng”. Trước đây, khi ba liên tục trúng chứng khoán, T.Q.T. được học trường quốc tế, nhà có xe hơi, người giúp việc, đi du lịch khắp nơi.

Đến khi chứng khoán tuột dốc, T. phải học trường bình thường. Ở môi trường mới, T. lúc nào cũng khoe về sự giàu có trước kia của gia đình khiến bạn bè rất ghét nên tẩy chay T. luôn.

Các nhà tâm lý học đường còn nhiều câu chuyện về bệnh sĩ của teen. Như Tr. đòi sắm xe Air Blade giống hệt bạn thân trong lúc ba mẹ chỉ ăn lương công chức. Hay chuyện một nữ sinh lớp 9 trước đây hằng ngày đến trường trên chiếc xe Dream già cỗi cùng ba, nhưng gần đây cứ mỗi thứ hai lại thấy bạn gái này đi cùng bạn.

Thật ra, nữ sinh trên đã thuê một anh chàng bảnh bao lái chiếc SH chở mình xuất hiện trước cổng trường với giá 200.000 đồng/lần. Đến lúc “bội chi ngân sách”, cô bé đã nhờ nhà tâm lý gỡ rối.

Còn thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu kể chuyện một nam sinh lớp 11 vì muốn lấy le với bạn bè nên bớt xén tiền bán hàng tạp hóa của ba mẹ để mua iPad. Khi phát hiện mất tiền liên tục, ba mẹ nghi ngờ lẫn nhau khiến gia đình luôn xào xáo. Cho đến khi họ tình cờ phát hiện cậu con trai lấy iPad trong cặp ra sạc pin thì sự thật mới vỡ lở...
 
“Chết” vì sĩ diện - Ảnh 1

Không ít bạn trẻ tìm mọi cách có tiền mua hàng chỉ để khoe mẽ với bạn bè. (ảnh minh họa)
 


“Bên trong” mới là thật

Về giải pháp, thạc sĩ Thúy cho rằng người lớn (cha mẹ, thầy cô) cần tạo nhiều hoạt động cộng đồng cho người trẻ trải nghiệm, qua đó khám phá giá trị bản thân và có cơ hội thể hiện năng lực chính mình.

Theo thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, ngày nay một số bạn trẻ không chỉ khẳng định mình qua cách ăn diện, tiêu xài phung phí mà còn “sắm” người yêu cho bằng bạn bè, thậm chí ra tay chinh phục ai đó cho bạn bè lác mắt.

Thạc sĩ Khắc Hiếu nêu chuyện teen bỏ thời gian và tiền bạc chụp ảnh nude, ảnh ngoại cảnh đăng lên mạng xã hội nhằm hút view (người xem), hút comment (bình luận) và những lời tán dương ảo trên mạng. “Nhiều bạn còn sẵn sàng nhịn ăn sáng để dành tiền cho những việc ấy”, thạc sĩ Hiếu nói.

Chuyên viên tâm lý Minh Hoa cho rằng tuổi mới lớn luôn muốn khẳng định bản thân trong nhóm bạn, muốn bạn bè nhìn mình bằng ánh mắt ngưỡng mộ, không muốn mình thua kém bạn bè.

Nhưng việc khẳng định bản thân theo các cách “tốt nước sơn” như trên, theo thạc sĩ Phạm Thị Thúy, là vì bạn trẻ đồng hóa giá trị bản thân với những tiêu chí bề ngoài, quên mất giá trị đích thực của mỗi người là ở trong nhân cách của mình.

“Sự đồng hóa này một phần do người lớn tạo nên, vì còn nhiều người lớn coi trọng vật chất và bề ngoài”, bà Thúy phân tích. Các phương tiện truyền thông, phim ảnh cũng thường ca ngợi những giá trị bên ngoài (ví dụ như giàu có, nổi tiếng) chứ ít tôn vinh những giá trị bên trong như trung thực, nhân ái, bao dung, yêu thương...

Ngoài ra việc coi trọng bề ngoài còn do sự trống vắng trong tâm hồn khi teen không được chia sẻ cảm xúc, không có cơ hội để “biết mình” và khẳng định bản thân tích cực. “Vì cha mẹ áp đặt hết mọi thứ”, bà Thúy nói.

Thạc sĩ Khắc Hiếu cho rằng nhu cầu khẳng định bản thân rất tích cực bởi nó thúc đẩy con người hoàn thiện hơn. Tuy nhiên thay vì học hỏi để thông tuệ hơn, rèn luyện để giỏi giang hơn, gọt giũa mình để sống chuẩn mực hơn, chỉn chu để xinh đẹp hơn... thì không ít teen đua đòi mua sắm hàng hiệu, ăn uống ở những nơi sang trọng, đi xe xịn...

Anh Hiếu bổ sung: “Nếu gia cảnh khó khăn, ba mẹ vất vả, anh chị em còn thiếu thốn thì đó không phải sành điệu mà là cách sống vô trách nhiệm với hoàn cảnh của chính mình và người thân”.

Theo thạc sĩ Hiếu, khẳng định mình bằng những giá trị bên trong mới để lại dấu ấn thật sự trong lòng người khác. Một bạn trẻ vượt khó nỗ lực học tập vươn lên hàng top sẽ nhận được sự ngưỡng mộ khác với một bạn trẻ chỉ có chiếc xe xịn. Một thanh niên biết quan tâm và giúp đỡ mọi người sẽ nhận được một ánh nhìn khác về chất so với việc chỉ khoác lên mình vài ba bộ đồ hàng hiệu.