Chia sẻ tại hội thảo “Cơ hội và thách thức khi giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng thông qua hòa giải và trọng tài” tổ chức ngày 6/6 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết, trái ngược với tình hình ở Việt Nam, hòa giải đang là một phương thức giải quyết tranh chấp được ưa chuộng trên thế giới. Bởi so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác, hòa giải thương mại sẽ tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian theo đuổi vụ kiện tranh chấp, nguyên tắc của hòa giải là tôn trọng tối đa thỏa thuận của các bên, và đảm bảo tính linh hoạt, đơn giản. “Nếu đưa vụ tranh chấp ra Tòa án thì trong quá trình theo đuổi vụ kiện thì uy tín, thương hiệu của DN cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, nhất là đối với những DN lớn và DN đang trong quá trình IPO (bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) lên sàn chứng khoán…” – bà Mai chia sẻ.
Có một số ý kiến băn khoăn: Tranh chấp trong hoạt động tín dụng có được giải quyết bằng hòa giải? Về vấn đề này, bà Mai khẳng định bất kỳ hoạt động nào trong hoạt động tín dụng mang tính sinh lợi sẽ là hoạt động thương mại và được giải quyết bằng hòa giải.
Để hòa giải thương mại trở thành phương thức phổ biến, được nhiều DN và tổ chức tín dụng lựa chọn thì các ý kiến đưa ra tại hội thảo là Tòa án cần có các hướng dẫn cụ thể về việc công nhận kết quả hòa giải thành công; có cơ chế hỗ trợ hoạt động hòa giải thương mại; sớm nghiên cứu cơ chế giao một số thẩm phán chuyên trách giải quyết các vụ việc về công nhận kết quả hòa giải thành công. Đồng thời, Tòa án phải là cơ quan thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn chuyên sâu về hòa giải thương mại cho các thẩm phán Tòa án kinh tế, khuyến khích sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế nói chung và hòa giải thương mại nói riêng. Về phía Bộ Tư pháp cần hoàn thiện thể chế về hòa giải thương mại tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và đồng bộ cho hòa giải thương mại hoạt động; phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động hòa giải thương mại…
Đồng tình với các kiến nghị, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam lưu ý các bên trong quan hệ tín dụng cần thực hiện quyền lực của mình trước khi nhờ đến tòa án; Chủ động đưa ra các quy định bắt buộc về sử dụng hòa giải thương mại trong các hợp đồng và sử dụng đến phương thức hòa giải ngay khi xảy ra tranh chấp…