Chi hỗ trợ gần 6 tỷ đồng, huyện Mê Linh giảm 775 hộ nghèo trong 1 năm

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, UBND huyện Mê Linh đã phê duyệt và tổ chức triển khai có hiệu quả Đề án “Nâng cao hiệu quả thoát nghèo bền vững huyện Mê Linh giai đoạn 2019 - 2020”.

Trao tặng bò cho hộ nghèo trên địa bàn huyện Mê Linh. Ảnh: Hồng Tâm.
Để thực hiện Đề án, cùng với việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ của TP Hà Nội, UBND huyện Mê Linh đã tổ chức triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, huyện đã hỗ trợ phương tiện, dụng cụ sản xuất cho 498 hộ, bao gồm: Xe máy 120 chiếc, máy ép mía 68 chiếc, máy khâu 86 chiếc, bò sinh sản 126 con, sửa chữa nhà ở cho 98 hộ. Ngoài ra, huyện còn tặng sổ tiết kiệm đối với 86 hộ người cao tuổi ở một mình.
Theo Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Mê Linh Nguyễn Thị Thanh Tám, trước khi thực hiện Đề án, toàn huyện vẫn còn đến 779 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,4% tổng số hộ trên địa bàn. Đến nay, sau khi thực hiện Đề án, tổng số hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 4 hộ, chiếm tỷ lệ khoảng 0,007%.
Như vậy, chỉ sau khoảng 1 năm tổ chức triển khai Đề án (từ tháng 7/2019 đến nay), toàn huyện Mê Linh đã giảm được tới 775 hộ nghèo. Kết quả này đã đảm bảo mục tiêu toàn huyện cơ bản không còn hộ nghèo theo mục tiêu trước đó Đề án đặt ra cho giai đoạn 2019 - 2020.
Để có được kết quả tích cực trên, trong quá trình triển khai, UBND huyện Mê Linh đã chủ động bố trí nguồn ngân sách 5,932 tỷ đồng, giao về các phòng ban tập trung triển khai giai đoạn 1 của Đề án. Bên cạnh đó còn phải kể tới sự chủ động, tích cực của các phòng ban, đơn vị chức năng của huyện. Đặc biệt là Phòng LĐ,TB&XH huyện trong tham mưu xây dựng và triển khai Đề án tới các xã, thị trấn...
Để đảm bảo tiến độ thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả thoát nghèo bền vững huyện Mê Linh giai đoạn 2019 - 2020”, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Mê Linh Nguyễn Thị Thanh Tám đề nghị UBND huyện tiếp tục quan tâm, chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch tổ chức huy động, bổ sung nguồn kinh phí khoảng 2,944 tỷ đồng để thực hiện giai đoạn 2 của Đề án. Cùng với đó, yêu cầu UBND các xã, thị trấn thực hiện giám sát việc sử dụng kinh phí phát triển sản xuất của các hộ thoát nghèo theo Đề án.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần