Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có buổi trò truyện với PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng nhà trường, người ký ban hành quy định này.
Thưa ông, xuất phát từ nguyên nhân nào để nhà trường quyết định đưa 4 điều cấm kỵ áp dụng cho học sinh của trường khi sử dụng facebook ?
- Mấy năm gần đây, facebook nở rộ thể hiện những mặt tích cực và tiêu cực. Đối với HS trong nhà trường, facebook lan tràn khi có gần một nửa các em dùng. Tác động của facebook giúp cho việc học tập tốt hơn thì là điều đáng quan tâm. Nhưng, thực tế không phải như vậy. Học trò không dùng facebook để hỏi về bài tập, hay hỏi thầy cô chỉ dẫn cách tìm tài liệu đọc thêm, mà chủ yếu các em sử dụng mạng xã hội này để đưa tin, làm status, comment… và chiếm rất nhiều hơn gian trong ngày.
Các em cho rằng, trên facebook có thể viết bày tỏ tất cả những gì mình thích. Các em dùng những từ viết tắt khó hiểu, không thuần Việt là điều đáng lo ngại đối với nhà trường. Thậm chí, có một bộ phận HS sử dụng từ ngữ rất thiếu văn hóa. Với những điều báo động ấy, rồi hiện tượng em Vy ở Quảng Nam, và ngay trong trường tôi cũng có trường hợp dùng facebook thế nọ thế kia, nên tôi nghĩ là đã đến lúc phải có biện pháp giáo dục thực sự.
Những quy định khi sử dụng facebook sẽ được nhà trường thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Những điều cấm kỵ trên facebook như là một lời khuyên, chưa phải là quy định. Đây là một phép thử để xem phản ứng của HS trong trường, ngoài trường của dư luận xã hội. Từng lớp học sẽ được cô giáo chủ nhiệm tổ chức thảo luận rộng rãi, để các em HS đưa ra ý kiến, quan điểm và đề nghị của mình.
Sau đó, chúng tôi sẽ có những quy định cụ thể để trở thành nội quy trên facebook. Nếu ai vi phạm sẽ có hình thức xử lý mang tính giáo dục.
Sau một ngày những điều "cấm kỵ" được đưa lên mạng, nhà trường nhận được những ý kiến phản hồi như thế nào?
4 điều cấm kỵ trên facebook 1. Tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những từ viết tắt, ví dụ như dm, vcl, vl, bts,… Phải sử dụng ngôn từ trong sáng, thuần việt. 2. Tuyệt đối không dùng facebook để nói xấu bất cứ ai. 3. Chỉ like status khi đã đọc kỹ nội dung của nó. Nếu like những statut có nội dung xấu, chủ nhân facebook sẽ bị quy trách nhiệm. Bởi vậy, cần phải biết đấu tranh, bày tỏ quan điểm trước status có nội dung xấu hoặc không lành mạnh. 4. Tuyệt đối, không được để bạn bè hiểu lầm khi đọc status. Bởi vậy viết status phải rõ ràng.
|
- Có những phản ứng tích cực và tiêu cực. Rất mừng khi các các phụ huynh rất tán thành ủng hộ. Tôi mong muốn những người có trách nhiệm về giáo dục và văn hóa lưu tâm đến việc này. Trước đây, có những sự việc xảy ra đến mức xã hội lên tiếng, chúng ta mới chấn chỉnh thì quá chậm, chẳng hạn như chơi game online.
Do vậy, ngay từ lúc thấy chớm có hiện tượng không đúng với thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến giáo dục của thanh niên, đi chệch hướng thì cần phải có biện pháp ngay.Trường tôi sẽ có hội "Người không nói tục trên facebook". Chúng tôi đề ra biện pháp giáo dục này có thể bị phê phán nhưng chúng tôi vẫn sẽ làm.
Hiện, nhà trường có bao nhiêu học sinh dùng mạng facebook, thưa ông?
- Qua khảo sát, trường THPT Lương Thế Vinh có khoảng 3.500 HS, trong đó có từ 30 - 40% học sinh cấp 2 và 3 dùng facebook.
- Ông mong muốn facebook giúp cho việc học của các em như thế nào?
- Facebook sẽ như là nhật ký, chia sẻ với bạn bè, thầy cô và trao đổi tình cảm riêng tư. Facebook là nơi giúp các em học tập thì tốt hơn, còn nếu chưa được như thế, thì thỉnh thoảng chia sẻ với nhau vấn đề gì đó, chứ không phải là chỗ để xả bực tức.
Tuy nhiên, trước mắt, các em nên tập trung vào học tập. Khi lên facebook, các em phải luôn nhớ rằng: Mình phải có trách nhiệm về những lời nói và có trách nhiệm về thái độ của mình. Nếu phê phán hiện tượng sai trái thì mình có quyền.
Theo ông, Bộ GD&ĐT nên có quy định về sử dụng facebook trong HS, SV?
- Bộ GD&ĐT nên có quy định chung về sử dụng facebook giống như quy định vào phòng thi. Từ quy định của Bộ, các trường căn cứ vào đặc thù của trường để có quy định cụ thể.
Xin cảm ơn ông!
Em và các bạn HS trong trường hoàn toàn đồng ý. Bọn em sử dụng facebook nhiều khi không suy nghĩ, nhưng không hay bị mắc lỗi. Quy định của nhà trường là yếu tố để chúng em rèn luyện bản thân biết mình sống hòa mình trong khuôn khổ. Em cũng cho rằng, nếu có bạn nào mắc lỗi, thì phương pháp xử phạt nên là nhắc nhở.Phạm Thái SơnHS lớp 11A1 trường THPT Lương Thế Vinh |