Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chí Linh (Hải Dương): Cát tặc, đất tặc thả sức hoành hành?

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đào đồi lấy đất, nạo cát ven sông mặc cho sụt lở ... là hiện trạng khai thác khoáng sản trái phép đang diễn ra từng ngày tại nhiều địa bàn thuộc Thị xã Chí Linh, Hải Dương.

Trong thời gian gần đây, báo Kinh tế & Đô thị đã nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về tình trạng khai thác trái phép đất và cát tại địa bàn các xã như Hoàng Tân, Hoàng Tiến, Văn Đức thuộc Thị xã Chí Linh, Hải Dương. Đi sâu vào tìm hiểu thực tế, có thể nhận thấy tình trạng này là khá phổ biến nhưng lại diễn ra trong một thời gian dài nhưng không được ngăn chặn tận gốc bởi sự can thiệp có phần hời hợt của các cơ quan chính quyền.
Phản ánh với phóng viên, anh Khánh (tên đã được thay đổi) - người dân tại xã Văn Đức - cho biết, đã từ nhiều năm nay, hiện trạng khai thác khoáng sản tại địa phương luôn diễn ra hết sức phức tạp. Dễ nhận thấy nhất là đoạn sông Đông Mai, con sông nằm giáp ranh giữa địa bàn Hải Dương và Quảng Ninh. Tại đây, vào ban đêm không khó để bắt gặp tàu hút cát trái phép hoạt động. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến tình trạng sạt lở ven bở xuất hiện khá nghiêm trọng, khiến phần ruộng, hoa mày của nhiều hộ gia đình bị nước cuốn trôi.
 Bãi tập kết cát trái phép hoạt động ngay ban ngày tại xã Văn Đức (Ảnh: Hà Thanh)
Vào giữa năm 2017, do nằm ngay đoạn sạt lở nên nhiều héc ta hoa màu của gia đình tôi đã bị nước cuốn trôi, không chỉ vậy cả ao cá cạnh đó cũng bị vỡ bờ khiến hàng tấn cá thoát ra ngoài. Tính ra năm đó gia đình tôi lỗ nặng, về việc bồi thường tôi cũng không biết phải đề nghị ai bồi thường và bồi thường như thế nào, anh Khánh cay đắng.
Không chỉ có cát, người dân xã Văn Đức còn phải "gồng mình" gánh chịu nạn đất tặc hoành hành giữa ban ngày ban mặt. Trao đổi với người dân tại thôn Kênh Mai (xã Văn Đức) được biết nhiều quả đồi quanh khu vực này đang dần biến mất theo từng năm do đất đồi bị các hộ, nhóm cá nhân khai thác trái phép. Đi kèm với nạn khai thác này là hàng đoàn các xe trở đất cầy nát mặt đường liên xã kéo theo là hàng đoàn bụi bặm bủa vây nhà dân, khiến nhiều người không dám mở cửa nhà ngay trong thời điểm ban ngày.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Văn Tuấn Chủ tịch UBND xã Văn Đức xác nhận trên địa bàn xã có tình trạng khai thác cát trái phép. Cát tặc thường dùng loại thuyền có thể chở 100 m3 cát vào khai thác tại đây, ước tính mỗi đêm, trung bình một thuyền khai thác cát lậu có thể kiếm đến 200 triệu. Mặc dù biết đây là vấn nạn với địa bàn mình quản lý nhưng vị Chủ tịch xã thừa nhận không thể giải quyết dứt điểm do không có đủ lực lượng, tàu thuyền chuyên dụng.
 Những ngọn đồi tại xã Văn Đức bị "xẻ thịt" (Ảnh do bạn đọc cung cấp)
Còn về tình trạng khai thác đất trái phép, ông Tuấn thẳng thắn cho biết là do cá nhân làm trộm chứ trên địa bàn mình chưa cấp phép cho bất cứ ai thực hiện việc này. Khi phát hiện ra chỗ nào khai thác là chính quyền địa phương ra lập biên bản đình chỉ ngay. Tuy nhiên khi phóng viên yêu cầu được tiếp cận với những biên bản trên, ông Tuấn từ chối vì lý do cán bộ phụ trách đi văng.
Thực trạng khai thác khoáng sản "chui" không chỉ diễn ra trên địa bàn xã Văn Đức, mà cách đó không xa tại phường Hoàng Tân cũng thuộc thị xã Chí Linh cũng có hiện trạng tương tự. Tiêu biểu là trường hợp của một nhóm cá nhân do người đàn ông có tên Tuấn cầm đầu đã thuê lại khu đất gần 16 héc ta của chính quyền địa phương với giá 8 triệu đồng/ năm nhằm phục vụ mục đích nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên theo phản ánh của người dân quanh đó, thời gian khoảng 1 năm trở lại đây, nhóm của ông Tuấn chủ yếu là múc đất lên để bán là chính, còn nuôi trồng thủy sản chỉ là làm cho có.
 Xe trở đất và máy xúc tại bãi khai thác đất trái phép ở phường Hoàng Tân (Ảnh: Hà Thanh)
Thực tế, khi đóng vai người tìm mua đất sau khai thác tại đây, phóng viên đã nhận được báo giá khoảng 60.000 đồng/m3 đất đen và 160.000 đồng/m3 đất trắng chứa đất sét. Một người dân tại phường Hoàng Tân cho biết, việc ông Tuấn khai thác đất trái phép đất nhằm mục đích kinh doanh đã nhiều lần được phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng không hiểu vì lý do gì mà tới nay vẫn còn tiếp diễn.
Để tìm hiểu tại sao tình trạng khai thác trái phép khoáng sản diễn ra ngang nhiên trên địa bàn, gây nhiều bức xúc cho người dân nhưng suốt nhiều năm vẫn chưa thể giải quyết triệt để, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Văn Bản, Bí thư Thị xã Chí Linh.
Đối với hiện trạng tại xã Văn Đức, ông Bản thừa nhận nạn cát tặc đang gây nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân ở đây. Có hiện tượng buông lỏng quản lý, thậm chí là làm ngơ của chính quyền cơ sở, cụ thể là UBND xã, ông Bí thư thừa nhận. Tuy nhiên khi đặt vấn đề tại sao Thị xã không tham gia trợ giúp xã để dẹp bỏ vấn nạn này, ông Bản cho biết: “Chúng tôi có nhiều việc phải xử lý, chứ đâu phải mỗi cái chuyện cát tặc”, đồng thời hứa hẹn trong vài tuần nữa sẽ xử lý và có thông báo tới báo Kinh tế & Đô thị về những vấn đề được phản ánh.
Riêng đối với trường hợp khai thác đất tại phường Hoàng Tân, ông Bản cho biết sẽ giao cho lực lượng chuyên môn xuống kiểm tra, xác minh lại. Nếu đúng có tình trạng khai thác đất để bán Thị xã sẽ đóng ngay khu khai thác trên đồng thời có biện pháp xử lý các cán bộ có liên quan, Bí thư Thị xã khẳng định.
Trên thực tế, còn nhiều địa bàn khác thuộc Thị xã Chí Linh nạn khai thác đất, cát vẫn diễn ra nganh nhiên gây nhiều tác hại đến môi trường cũng như cuộc sống của người dân nhưng chưa bị ngăn chặn. Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục phản ánh về thực trạng này trong các bài viết tiếp theo.