Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chi phí chợ búa cho gia đình đội lên

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Các bà nội trợ phát hoảng khi chi phí cho bữa cơm gia đình ngày một đắt đỏ. Nhiều người ra chợ mua hàng, cầm lên đặt xuống, suy đi tính lại, kỳ kèo bớt một thêm hai mãi mới quyết định mua.

KTĐT - Các bà nội trợ phát hoảng khi chi phí cho bữa cơm gia đình ngày một đắt đỏ. Nhiều người ra chợ mua hàng, cầm lên đặt xuống, suy đi tính lại, kỳ kèo bớt một thêm hai mãi mới quyết định mua.

"Nghe người bán nói giá mà tôi giật cả mình. Mua có 3 loại rau và chưa thịt cá gì đã hơn 40.000 đồng. Rau củ bây giờ còn đắt đỏ hơn thủy sản. Chi phí chợ búa cả tuần qua tăng gần gấp đôi so với hồi tháng trước", chị Thanh than vãn.

Chi tiêu gói ghém, hạn chế ăn sáng bên ngoài, mỗi loại thực phẩm mua ít lại một chút... thế nhưng chi phí cho bữa ăn hàng ngày theo tính toán của chị Thanh, quận I, TP HCM vẫn đắt hơn nhiều so với trước.

Ảnh hưởng mưa lũ suốt từ miền Trung vào Nam khiến nguồn cung thực phẩm trở nên khan hiếm hơn. Chính vì vậy, cả tuần nay nhiều mặt hàng tại TP HCM tăng vùn vụt sau thời gian dài chỉ biến động nhẹ. Các bà nội trợ phát hoảng khi chi phí cho bữa cơm gia đình ngày một đắt đỏ. Nhiều người ra chợ mua hàng, cầm lên đặt xuống, suy đi tính lại, kỳ kèo bớt một thêm hai mãi mới quyết định mua.

Xòe tay nhẩm tính, chị Nga ở quận Gò Vấp bảo: "Đi chợ bây giờ đau đầu lắm, mất vèo cả trăm nghìn mà nhìn lại chẳng có bao nhiêu thức ăn". Bởi theo chị, một cọng hành, ngò hay quả ớt cũng quy ra tiền, chứ không miễn phí như trước. Sáng nay đi chợ, chị phải trả 5.000 đồng cho vài cọng hành lá với mấy quả ớt, trong khi chỉ mới tuần trước khoản này được người bán cho không.

Đảo qua đảo lại mấy vòng tại hàng bán thịt lợn ở chợ Phú Lâm, quận 6, chị Lan bất ngờ khi hỏi giá sườn non, người bán "hét" 90.000 đồng một kg, trong khi tuần trước mới xấp xỉ 80.000 đồng. Cuối cùng chị quyết định mua cá rô đồng về làm cơm.

"Tính toán chi tiêu gia đình, lâu nay tôi vẫn dành 60.000 đồng mỗi ngày để mua thức ăn cho hai vợ chồng cùng con trai thì vừa đủ; giờ cũng với số tiền này chẳng biết mua gì. Đụng vào món nào cũng đắt cả. Với tình hình này, đành tiết kiệm hơn nữa, hạn chế gặp gỡ bạn bè, kìm hãm thói quen mua sắm lại để bù đắp chi phí cho thực đơn gia đình, đảm bảo đủ dinh dưỡng cho con trẻ", chị Lan than thở.

Bữa cơm ngày chủ nhật của gia đình chị Lan hôm qua đắng ngắt, khi cậu con khóc lóc om sòm nhất định đòi phải có món thịt bò xào chứ không chịu ăn cá chiên, trong khi mẹ đã bội chi ngân sách. Xót con, chồng trách vợ, vợ giận quát mắng cu nhóc. Cả nhà căng thẳng, mất vui ngày sum họp.

Còn gia đình chị Vượng cũng thống nhất với nhau là hạn chế ăn những món quá đắt tiền như dồi trường, cua biển... mà bổ sung thêm rau trái, cá tôm. Cả nhà cũng bớt đi ăn tiệm ngoài mà chủ yếu nấu nướng tại nhà để tiết kiệm tiền, vừa giảm chi tiêu, vừa dành dụm để gửi tiền, quà cứu trợ bà con vùng lũ.

"Giỏ đi chợ ngày chủ nhật của tôi hôm qua có đậu phụ, 2 lạng nấm rơm, 10 quả trứng gà, rau, trái cây... thế mà hết gần 200 nghìn đồng, gấp rưỡi so với trước. Chỉ có 2 lạng rau cải xoong cũng đã 18.000 đồng trong khi bình thường chỉ chừng 5.000 đồng", chị Vượng than thở.

Nhiều bà nội trợ than phiền là ngày nay đi chợ quá khó khăn vất vả, bởi giá cao, người bán cũng "khó tính" hơn.

Tại các chợ bán lẻ TP HCM, nhiều người chỉ bán rau muống theo kg chứ không phân thành từng bó như trước. "Trước đây một bó xấp xỉ nửa kg chừng 3.000-4.000 đồng, nhưng giá đột ngột nhích cao, một bó chỉ còn vài cọng rau nên phải chuyển sang cân ký với giá 10.000 đồng", chị Hạnh, chủ sạp rau quả ở chợ Thị Nghè, quận 1, phân bua với người mua.

Các loại cải ngọt, cải xanh, xà lách, khoai tây Đà Lạt, xà lách Pháp, ngò, hành lá cũng điều chỉnh 5.000-6.000 đồng một kg so với cách đây khoảng 10 ngày.

Các loại gia vị, dầu ăn, nước mắm, đường đậu, gạo nhích lên 1.000-2.000 đồng. Nhiều loại trái cây do khan hàng cũng cao hơn 2.000-10.000 đồng mỗi kg. Nhóm hàng hải sản, ghẹ xanh tăng thêm 20.000-40.000 đồng mỗi kg tùy loại.

Từ tháng 11, các siêu thị ở TP HCM cũng sẽ niêm yết giá bán mới tăng 5-10%, vì lý do nhà cung cấp điều chỉnh giá do biến động nguyên liệu đầu vào, tỷ giá USD...

Ông Ngô Văn Hải, Phó giám đốc siêu thị Citimart cho biết: "Do hàng tồn kho còn nên vẫn giữ nguyên giá bán, chứ đợt nhập hàng tiếp theo buộc phải thay đổi". Citimart đã nhận được thông báo tăng giá của nhiều nhà cung cấp. Tăng cao nhất là thực phẩm với mức điều chỉnh 5-10%.

Đại diện các siêu thị Big C, Maximark, Co.op mart cũng cho hay đã nhận được thông báo tăng giá của các nhà sản xuất, nhất là những mặt hàng có nguyên liệu nhập khẩu (hiện đã thông báo tăng 5-10%).

Chương trình bình ổn các mặt hàng thiết yếu (gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản) đang áp dụng tại TP HCM, nhưng chưa đủ sức kìm đà tăng của các mặt hàng.