Đây là nguồn thông tin quan trọng giúp các cơ quan, đơn vị biết được mặt mạnh, mặt yếu trong công tác CCHC, từ đó điều chỉnh, nâng cao chất lượng CCHC.
Phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân
Với mục tiêu lấy người dân và DN làm trọng tâm phục vụ, thời gian qua, hệ thống chính trị của TP Hà Nội đã tăng cường tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cao nhất cho DN, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Đồng thời cải thiện mức độ hài lòng của người dân và DN trong các giao dịch hành chính, TP ban hành quy định về áp dụng cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ công tại các đơn vị sự nghiệp công lập, DN, hợp tác xã.
Cùng với đó, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, nâng cao vai trò nêu gương, thực hiện văn hóa ứng xử trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại công sở, nơi cư trú và nơi công cộng, coi đó là cốt lõi để lan tỏa, nhân rộng, từng bước xây dựng trật tự, kỷ cương trong xã hội.
Công chức bộ phận một cửa UBND quận Nam Từ Liêm giải quyết thủ tục hành chính cho công dân. Ảnh: Linh Chi |
Để cụ thể hóa mục tiêu đó và nhằm đánh giá thực chất khách quan về nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, cũng như đội ngũ cán bộ công chức, năm 2018, Hà Nội đã ban hành các chỉ số cụ thể để chấm điểm về CCHC. Chỉ số CCHC 2018 phản ánh khách quan, trung thực kết quả thực tế của các sở, cơ quan ngang sở, các quận, huyện, thị xã.
Qua đó, giúp các cơ quan, đơn vị biết được mặt mạnh, mặt yếu trong công tác CCHC, điều chỉnh, nâng cao chất lượng CCHC. Kết quả này có được sau khi chấm chéo giữa các đơn vị, cũng như đánh giá của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội và Hội đồng Thi đua khen thưởng TP thẩm định.
Theo kết quả vừa được công bố cho thấy, Sở Tài chính duy trì vị trí dẫn đầu trong kết quả Chỉ số CCHC của các sở và cơ quan ngang sở với tổng điểm 91,73%, cao hơn điểm số này của Sở năm 2017 (89,87%). Tiếp đó, trong top 5 của bảng xếp hạng lần lượt là Sở Nội vụ (89,77%), Văn phòng UBND TP (89,24%), Sở TT&TT (86,64%), Sở KH&ĐT (85,66%). Sở Quy hoạch Kiến trúc đứng cuối bảng với kết quả 78,5%.
Trong khối UBND quận, huyện, thị xã, quận Nam Từ Liêm cũng tiếp tục giữ ngôi đầu bảng với chỉ số CCHC đạt 92,59% (cao hơn điểm số 90,35% của năm trước). Tiếp theo lần lượt là các quận Long Biên (91,91%), Bắc Từ Liêm (89,04%), Cầu Giấy (88,83%), Thanh Xuân (88,68%). Huyện Ba Vì đứng vị trí cuối bảng với điểm số 73,95%.
So với kết quả năm trước, năm 2018, huyện Sóc Sơn đã vươn lên từ vị trí 30/30 lên vị trí 27/30 trong bảng xếp hạng Chỉ số CCHC của UBND các quận, huyện, thị xã thuộc TP; Ban Dân tộc vươn từ thứ hạng 22/22 lên 16/22 trong bảng xếp hạng Chỉ số CCHC của các sở, cơ quan ngang sở.
Tiếp tục khắc phục hạn chế
Thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, như: Một số chỉ số CCHC được đánh giá ở mức độ thấp; nhiều vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất rừng chưa được xử lý dứt điểm; chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa ở một số nơi còn chưa tốt...
UBND TP yêu cầu các sở, cơ quan ngang sở, UBND quận, huyện, thị xã thuộc TP căn cứ Chỉ số CCHC năm 2018 sớm có giải pháp đẩy mạnh CCHC, cải thiện Chỉ số CHCC những năm tiếp theo.
Tại hội nghị phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ðức Chung cũng yêu cầu, đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền TP Hà Nội. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với việc thực hiện tốt quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất về trách nhiệm thực thi công vụ, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc giao tiếp ứng xử nơi công sở, chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm.
Ðồng thời tăng cường công khai, minh bạch, thông tin cụ thể các công việc, các chủ trương, chính sách để người dân, DN biết, hiểu và cùng đồng hành với TP, qua đó tiếp tục nâng cao chất lượng CCHC.