Thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện. Tuy nhiên, thực tế tại không ít địa phương, việc chi trả, hỗ trợ còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng.
Ông Lữ Xuân Oánh - Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh cho biết: “Trong quá trình thực hiện, nhiều địa phương vẫn còn lúng túng bởi đây là chính sách đặc thù do dịch bệnh. Đối với huyện thì khó nhất là việc xác định đối tượng không giao kết hợp đồng lao động- lao động tự do. Đồng thời, một số khó khăn, vướng mắc cần phải chờ ý kiến giải đáp của cấp trên”.
Đặc biệt, do số người được thụ hưởng khá lớn nên không ít địa phương xảy ra hiện tượng trùng lắp, chồng chéo. Trong đó, huyện Binh Sơn đã phải đề nghị thu hồi 624 triệu đồng do các đối tượng trùng, chết. Đồng thời, đề nghị bổ sung hơn 102 triệu đồng cho các đối tượng chết trong thời gian diễn ra đại dịch Covid- 19 và các đối tượng còn thiếu, sót sau khi rà soát.
Theo ông Lương Kim Sơn - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Quảng Ngãi, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện nghiêm túc việc chi trả hỗ trợ cho các đối tượng ảnh hưởng bởi Covid-19. Qua thống kê, đến thời điểm này, các địa phương trong tỉnh đã chi trả hỗ trợ cho 237.000 người thuộc 3 nhóm đối tượng là người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo. Tổng kinh phí chi trả đạt hơn 247,7 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 97,3% kinh phí đã phê duyệt.
Nguồn kinh phí còn lại chưa thực hiện được là do trong quá trình tổ chức rà soát, chi trả có một số đối tượng đã chết hoặc trùng với đối tượng khác. Cùng với đó là một số người dân tự nguyện từ chối nhận hỗ trợ.
“Quyết định 15 là văn bản quy phạm pháp luật, một số nội dung còn quy định chung chung, chưa được hướng dẫn cụ thể để thực hiện. Hiện nay, nội dung hướng dẫn của Bộ chủ yếu là thông qua mục hỏi -đáp được đăng tải cập nhật trên cổng thông tin điện tử của Bộ hoặc qua tổng đài 111, chủ yếu phục vụ cho việc nghiên cứu tham khảo, chưa phải là cơ sở pháp lý để thực hiện”, ông Sơn cho hay.
Do vướng mắc trong việc rà soát, xác định đối tượng đã gây lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện nên kết quả chi trả đạt thấp. Thậm chí, việc hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, đến nay chưa có đối tượng nào được phê duyệt hỗ trợ.
Để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chi trả hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị Bộ LĐ-TB&XH tổ chức rà soát, trình Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15 cho phù hợp tình hình hiện nay.
Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị điều chỉnh điều kiện vay vốn đối với người sử dụng lao động vay vốn để trả lương cho người lao động; bổ sung một số đối tượng hưởng trợ cấp như giáo viên mầm non tư thục không có hợp đồng lao động bị mất việc làm; hộ kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ chưa đăng ký kinh doanh; người lao động tạm hoãn, nghỉ việc tại các đơn vị không phải là doanh nghiệp, như hợp tác xã, hộ kinh doanh…