Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chiếc khăn của mẹ

Truyện ngắn của Nguyệt Chu
Chia sẻ Zalo

Đó là chiếc khăn được dệt bằng những ngày tháng cũ. Cũng như cuộc đời tôi được dệt bằng những sợi len cũ đầy sắc màu từ bàn tay của mẹ.

1. Đó là chiếc khăn được dệt bằng những ngày tháng cũ. Cũng như cuộc đời tôi được dệt bằng những sợi len cũ đầy sắc màu từ bàn tay của mẹ. Trông qua thì rực rỡ đấy nhưng lại gần thì mới thấy nó lỏng lẻo và cũ kĩ trong mòn mỏi. Chiếc khăn mà mỗi độ xuân về nào cũng được đem ra phơi. Hong trong gió xuân, nắng xuân để mùi hương thanh sạch và tinh khôi của đất trời lan thấm trong từng sợi len bạc màu. Tôi đã không dám giặt nó trong nước. Tôi sợ nếu ngâm trong nước, nó sẽ mục đi, rữa ra và nhanh chóng tan biến như tuổi thơ trong mắt tôi. Tôi đã nâng niu nó như nâng những mảnh vụn ký ức của mình, lúc nào cũng lo âu sợ tuột tay rơi mất. Vậy mà, có một chiều xuân, khi cơn mưa ấm của tháng Giêng tràn về qua ô cửa, tôi đã mải ngắm những cánh tầm xuân cuối mùa mà quên mất chiếc khăn. Nó đã ướt sũng trong lãng quên. Tôi đã khóc suốt đêm khi nhận ra những sợi len cũ đã mục nát. Không thể nào vá víu. Chỉ còn là những mảnh rời rạc và đứt gãy.

2. Xu chứ không phải là Su!

Đồng Xu ấy! Hiểu không? Tiền đấy!

Những tiếng nói đầu tiên dội vào lòng tôi khi tôi biết nhận thức mọi việc xung quanh mình. Tôi im lặng trong một ý niệm về đồng xu. Tôi là tiền hay tôi là khát khao về tiền? Tiền là gì mà mẹ lại lấy nó để đặt tên cho tôi?

Những ngày tháng ấy là những ngày tháng hội hè. Lúc nào trong trí nhớ xưa cũ của tôi cũng là từng dòng người nườm nượp nối đuôi nhau chảy vào bất tận. Rộn rã trong một niềm vui hoan hỉ về những tháng ngày thênh thang trước mặt. Người ta không cần nuối tiếc thời gian.

Những ngày tháng ấy là những ngày tháng mẹ miệt mài bên ngọn đèn dầu khói bốc cay xè. Mùi hôi rình xoáy trong kí ức về một ngọn đèn cạn bấc. Những sợi len xanh đỏ chảy qua kẽ tay mẹ để hồi sinh trong một thân phận khác. Những cuộn len mỏng dần, gầy guộc, teo tóp chẳng còn đủ sức để lăn tới chân con mèo mướp già nua, mắt đã nhòa đi vì khói của hoài niệm. Mẹ hối hả chạy đua với từng thời khắc. Những món đồ chơi xinh xinh lần lượt chào đời từ bàn tay chai sần của mẹ. Những chiếc móc chìa khóa nhỏ, những viên kẹo mút, những con búp bê, những chiếc mũ, những đôi giày… bằng len. Nhưng tôi chỉ được phép nhìn chứ không được sở hữu chúng. Tôi đã từng khát thèm đến nhỏ dãi một chiếc kẹo mút màu hồng không có thực, vì nó sẽ chẳng bao giờ chảy nước dù cho có ở ngoài trời thật lâu cũng như nó sẽ chẳng bao giờ hết hạn. Những viên kẹo chỉ có thể được ăn bằng ánh nhìn thèm thuồng của một tâm hồn khờ dại. Tôi đã đòi những viên kẹo ấy trong một buổi chiều xưa. Những lúc như thế, mẹ lại cho tôi chơi chiếc khăn bảy sắc cầu vồng. Nó được kết từ muôn ngàn mẩu len thừa mà mẹ đã đan những món đồ chơi kia. Một chiếc khăn hằn in những vết nối của sự đứt đoạn, nham nhở.

Cũng như cuộc đời mẹ là những sự đứt đoạn. Là sự gặm nhấm nham nhở của những đêm chong đèn hun hút. Là những giấc mơ chênh vênh lệch về một phía khi tôi đã thiếp ngủ bên chiếc khăn. Là những hối hả, chóng vánh để kịp vào những ngày hội hè. Khi mẹ ngơ ngác ngóng chờ một bóng hình nào đó trong dòng người cuồn cuộn kia đến lúc sương phủ mờ khóe mắt.

“Nhiều người mua thế, sao mẹ không bán đắt hơn để kiếm nhiều tiền. Mẹ đã chẳng gọi con là Xu ư?”. Mẹ bần thần, không đáp. Câu hỏi của tôi rơi vào tiếng ồn ào của những người đi hội. Tôi đã không còn nghịch đất cát lấm lem nữa. Cũng như không còn thèm khát cái hình hài của kẹo mút nữa. Tôi thấy mẹ dáo dác như một chú chim lạc bầy giữa biển đời mênh mông. Khói hương của đền chùa loang ra trùm mắt mẹ.

Mới ba tháng tuổi, tôi đã lếch thếch theo mẹ mưu sinh. Mùi lễ hội thấm vào người tôi vừa thanh khiết vừa trần tục. Những bóng người lướt qua tuổi thơ tôi không dấu vết, những cuộc vui vài ngày ở nơi này được thay bằng cuộc vui vài ngày ở chốn khác. Mẹ lại mải miết xốc tôi chạy theo những dòng người đổ về các nơi thờ tự. Gian hàng lại được căng ra, tấm bạt che mưa nắng nhăn nhúm như cuộc đời méo mó của mẹ con tôi. Những món đồ chơi, hình xác của một thế giới không còn sự sống. Tôi đã từng mất ăn mất ngủ vì con búp bê mà mẹ đan cho bộ váy đẹp diệu kỳ với chân váy lượn sóng và kim tuyến lấp lánh như trong cổ tích. Nhưng tôi không thể mặc vừa nó, và mẹ tôi cũng chẳng thể nào đan cho tôi một bộ váy y như thế, vì tôi là một con búp bê to xác. Những sợi len của mẹ tôi không thể đủ vá víu trong một thế giới thực. Con búp bê kiêu sa và hãnh diện nhìn tôi. Khi mẹ đặt nó nằm thì đôi mắt nó lại nhắm nghiền. Chắc ngủ. Nhưng tôi cứ băn khoăn mãi, nằm chắc đâu là người ta đã nhắm mắt, mà nhắm mắt chắc đâu người ta đã ngủ. Sao con búp bê lại được mặc định như vậy chứ. Và càng ngày tôi càng tin cái thế giới xung quanh tôi, thế giới gắn liền với những sợi len là một thế giới không có thực, hơn nữa còn phi lý.

3. Tôi thường đi qua những gian đồ chơi bằng nhựa trơn và bóng. Những ôtô, máy bay, tên lửa, những chuỗi hạt nhiều sắc màu lấp lánh… Tôi dò xét và hoài nghi về thế giới đó. Nó có giống thế giới len của tôi hay không? Nó là một sự hiện hữu chân xác hay là một sự phi lý? Tôi không bao giờ chia sẻ được với mẹ về điều đó. Tôi thường chỉ gặp mẹ trong giấc mơ, cùng với những sợi len nhàu nhĩ. Còn thường thì, bên tôi, mẹ lặng thinh như một pho tượng đá. Đôi mắt không hề chớp đăm đăm xuyên qua khoảng không. Chỉ có đôi tay là thoăn thoắt trên những sợi len cùng cái móc sáng loáng. Nhiều lúc tôi giật mình ngỡ đó cũng chỉ là hình hài của mẹ, còn mẹ tôi thực sự đã khuất lấp trong một thế giới nào. Suốt cả đời, mẹ tôi vẫn lặng thinh như vậy, kể cả khi tôi bỏ mẹ ra đi theo người ấy, hay khi tôi bầm dập đau đớn trở về, mẹ chỉ gật đầu và ôm tôi. Mẹ lại tháo những cuộn len cũ ra, chắp nối để đan những món đồ chơi mới.

Sự chắp nối đương nhiên là cần thiết, nhưng nhiều khi, bỏ đi thì sẽ tốt hơn chăng. Mẹ không chắp nối những sợi len từ thuở hoa niên để đan cho mình chiếc khăn sặc sỡ như mẹ đã làm cho tôi. Mẹ vứt bỏ nó trong nỗi xót xa và dằn vặt. Trong những thao thức khi tháng Giêng trỗi dậy giữa đất trời. Nằm nghiêng co ro nghe chút giá lạnh cuối mùa còn thì thào trong gió. Liệu đêm ấy mẹ có mơ về một xứ sở khác, về những ngày hội, về ánh mắt nào đó chìm lút giữa biển người, về phút giây giật mình trong những cái xôn xao rất lạ, về khoảnh khắc dâng hiến và sự hoài thai tôi. Hay trong giấc mơ, mẹ cũng chỉ có những sợi len. Cũng như giấc mơ tôi, những sợi len dài vô tận, tít tắp đến mịt mùng. Những sợi len xoắn xuýt, ôm bện lấy nhau, tuôn dài như áng tóc tôi. Nhưng từ hôm trở về với mẹ, tôi đã cắt mất mái tóc dài. Những sợi len thay vào mái tóc tôi đã mất.

Đến khi không thể chạy theo những đám hội được nữa, mỗi độ tháng Giêng về, mẹ tôi lại khắc khoải như mắc nợ trần ai. Đôi mắt mẹ đã mờ đục, chẳng thể nhìn xuyên qua khoảng không, mà cũng chẳng cần phải nhìn những tháng ngày trước mặt. Tôi không còn tự hỏi trong giấc mơ mẹ có gì, nó có giống với tôi không. Chỉ cần nhìn thấy mẹ lặng thinh như pho tượng đá, buông ánh mắt vào xa xôi và đôi tay vẫn lướt trên những mẩu len bạc phếch là tôi thấy yên lòng. Dù đôi bàn tay đã run run trên những mẩu len chắp nối. Dù mũi kim khâu có khi chệch làm rớt từ ngón tay giọt máu nóng đỏ tươi. Tôi biết mẹ đang sống trong một thế giới khác, bằng hình hài của hiện tại.

4. Đó là chiếc khăn được dệt bằng những ngày tháng cũ.

Đến một lúc nào đó, nó sẽ được khâm liệm bằng quá khứ. Tôi sẽ khóc thương và đưa tiễn nó như đưa tiễn những ngày hội hè đã qua đời tôi. Ở góc đó, đã không còn mảnh bạt nhăn nhúm được căng ra. Tôi hoang mang như thấy một mảnh đời mình bị đánh cắp. Không ai còn nhớ đến những mẩu len xưa. Thay vào đó là một gian hàng đồ chơi cầu kỳ sang trọng. Không còn những món đồ len bám mùi dầu tây hôi rình, mà là những chất liệu cao cấp được làm bằng máy sạch sẽ, tinh tươm, thơm tho và niêm yết giá. Chẳng ai trả bằng đồng xu. Tiền giờ không hiện hữu bằng đồng xu. Mà cũng từ lâu rồi, chẳng biết khi nào, mẹ không còn gọi tôi là Xu nữa. Mùi lễ hội không vương được vào những thứ có tủ kính che sát khuẩn vô trùng như trong bệnh viện. Khói hương cũng không loang tới được góc này, không có ai bồn chồn chôn chân vào câm lặng. Lễ hội ơ hờ đẩy dòng người xa khuất.

Cũng không còn chiếc khăn. Kí ức của tôi đã bị chôn vùi dưới cát bụi lem nhem của từng dòng người đi trẩy hội. Bị giằng xé, giẫm đạp, tan tác. Chiếc khăn phủ kín một chiều mưa ấm, để tan đi cùng những mảnh vụn. Tôi đằm mình trong mưa, những hạt mưa như sương lan thấm vào da thịt. Những mẩu len bay trong mưa, nhẹ bẫng như những cánh hoa muôn sắc đọng lại trên thân thể tôi. Rồi tan vào đất. Chiếc khăn biến mất không còn dấu vết, nó đã chảy qua kẽ tay thời gian để hồi sinh thành một thân phận khác. Không hiện hữu nhưng luôn nhoi nhói nơi trái tim tôi, trùm phủ kí ức tôi.

Đó là chiếc khăn được dệt bằng những ngày tháng cũ.

Từ bàn tay của mẹ…