Ở nơi đây đang xuất hiện những tụ hợp và cả tập hợp lực lượng mới, trong khi có những chuyện xưa nay tưởng bất di bất dịch thì nay không còn như trước nữa. Sau 6 năm gián đoạn, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã chính thức khôi phục lại quan hệ ngoại giao. Sự bực bội về Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đẩy hai nước này đến nhận thức cần phải nhanh chóng hóa giải bất hòa. Thổ Nhĩ Kỳ bị Mỹ và EU cáo buộc vi phạm dân chủ, nhân quyền, đặc biệt kể từ sau vụ đảo chính quân sự không thành công. Israel không hài lòng khi bị Mỹ và EU phàn nàn là cản trở tiến trình hòa bình và hòa giải với Palestine. Quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ, EU và NATO hiện đã tồi tệ đi đến mức Thổ Nhĩ Kỳ phải tìm kiếm thêm nhiều đồng minh và đối tác khác nữa chứ không chỉ có mỗi Israel. Việc bình thường hóa trở lại quan hệ với Nga cũng phục vụ cho mục tiêu này của Ankara. Đáng kể không kém là chủ định của Thổ Nhĩ Kỳ điều chỉnh chính sách đối với Iran theo hướng hợp tác chứ không đối đầu, và chiến lược đối với Syria theo hướng tìm cách đối thoại chứ không tiếp tục nỗ lực lật đổ chính thể ở Syria. Nga và Iran đã nâng quan hệ hợp tác chính trị và quân sự lên tầm vóc mới, với việc Iran để cho Nga sử dụng căn cứ quân sự Hamadan để tiến hành không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và những lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Syria. Đó cũng còn là cách hai nước này thể hiện sự hậu thuẫn chính trị và quân sự cho chính thể ở Syria và cá nhân Tổng thống nước này là al-Assad. Cũng đáng được chú ý đến không kém là việc cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ công khai biểu lộ chủ trương đẩy mạnh hợp tác với Chính phủ Syria và hậu thuẫn quân đội Chính phủ nước này. Tất cả những động thái nói trên không chỉ mới mà còn có tác động trực tiếp tới chiến sự ở Syria, dù là chiến tranh với IS hay là nội chiến giữa phía chống Chính phủ và quân đội Chính phủ, và cục diện quan hệ giữa các quốc gia trong cũng như ngoài khu vực. Những tụ hợp và cả tập hợp lực lượng mới này hiện đều tác động theo hướng bất lợi nhiều hơn cho Mỹ, EU, NATO, Ả Rập Saudi và những đồng minh của họ cũng như những tổ chức và lực lượng ở bên trong Iraq, Syria, Libya, Lebanon và cả ở Yemen được họ hậu thuẫn về chính trị, tài chính và quân sự. Được lợi nhiều hơn cả là Chính phủ Syria, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng về lâu dài thì cả những đối tác khác như Iran, Trung Quốc, Ấn Độ hay Israel cũng lợi đơn lợi kép không kém.