Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chiến công “dội lửa” phi trường Tân Sơn Nhất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những ngày đầu tháng 3/1975, tin vui chiến thắng liên tiếp từ chiến trường miền Nam đã làm cho cán bộ, chiến sĩ Cục Kỹ thuật Phòng không – Không quân (PK-KQ) mừng vui khôn tả.

Cục đã tổ chức nhiều đoàn cán bộ chuẩn bị đi chi viện cho chiến trường miền Nam, trong đó có đội đặc nhiệm kỹ thuật Không quân do Thiếu tá Hồ Thanh Minh – Phó phòng, TS máy bay động cơ làm đội trưởng; các thành viên của đội gồm Đại úy Nguyễn Văn Soạn – kỹ sư thiết bị hàng không, Thiếu úy Ngô Anh Tuấn – kỹ sư máy bay động cơ và Trung úy Nguyễn Đình Thủy – kỹ sư vũ khí hàng không.

Nhiệm vụ “bất khả thi”

Ngày 1/4/1975, đội đặc nhiệm được giao nhiệm vụ vào tiếp quản máy bay, trang bị, vũ khí, bom đạn tại Sân bay Đà Nẵng, chuẩn bị đưa một số máy bay, tên lửa, bom ra miền Bắc để nghiên cứu. Đội đặc nhiệm cùng với Cục trưởng Lương Hữu Sắt và một số cán bộ tham mưu, tác chiến của Bộ Tư lệnh PK-KQ lên máy bay iL-18 từ Sân bay Gia Lâm cất cánh vào lúc 10 giờ sáng cùng ngày, bay thẳng vào Đà Nẵng.
Quân giải phóng tấn công chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất (ảnh tư liệu).
Quân giải phóng tấn công chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất (ảnh tư liệu).
Máy bay hạ cánh xuống Sân bay Đà Nẵng lúc 12 giờ trưa. Ngay trong chiều hôm đó và vài hôm sau, đội đặc nhiệm đã khảo sát toàn bộ số máy bay và vũ khí, bom đạn, trang bị kỹ thuật trên sân bay và thu thập được một số tài liệu về sử dụng, bảo trì máy bay của địch bỏ lại để nghiên cứu. Chỉ trong hơn 2 ngày, đội đã sơ bộ phân loại được chất lượng số máy bay còn lại trên sân bay. Ngày thứ ba, đội đặc nhiệm lại nhận được mệnh lệnh mới: Cần tổ chức sửa chữa, hồi phục gấp máy bay A-37 để sẵn sàng làm nhiệm vụ. Để thực hiện được nhiệm vụ trên giao, cả đội đặc nhiệm không kể ngày đêm lao vào nghiên cứu tài liệu theo từng chuyên ngành. Anh em trong đội bàn bạc với nhau rất kỹ lưỡng, phác thảo ra kế hoạch sửa chữa, hồi phục máy bay gấp.

Để nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ, đội đặc nhiệm đã tổ chức tuyển chọn thêm các nhân viên kỹ thuật không quân của ngụy còn lại ở Đà Nẵng gồm các chuyên nghề: Thân cánh máy bay, động cơ máy bay, thiết bị điện – đồng hồ, thông tin liên lạc vô tuyến, thiết bị ghế ngồi, xăng dầu – khí, thợ gò – tán, lái xe nâng Mj-1. Qua mấy lần làm việc với thái độ chân tình, hòa hợp, cởi mở của cán bộ trong đội, anh em nhân viên mới rất phấn khởi, nhanh chóng hòa nhập với công việc.

Trên cơ sở phân loại sơ bộ số máy bay còn lại, đội đã chọn ra 2 máy bay A-37 số 777 và 980 còn tương đối nguyên vẹn về thân và cánh để sửa chữa hồi phục bay. Dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của cán bộ kỹ thuật đội đặc nhiệm, anh em nhân viên mới đã cùng cán bộ thực hiện tốt các nhiệm vụ: Thay thế lắp lẫn một số bộ phận của máy bay như cánh, càng, ghế ngồi, giá treo bom, vá những lỗ thủng trên thân và cánh máy bay, kiểm tra đánh giá khả năng làm việc của toàn bộ các hệ thống trên máy bay.

Nâng cánh bay xuất kích

Sau 10 ngày khẩn trương làm việc, 2 máy bay A-37 đã được sửa chữa hồi phục xong. Ngày 16/4, Bộ Quốc phòng đã đồng ý phương án sử dụng máy bay A-37 làm nhiệm vụ tập kích đường không.

Tiếp theo, đội xin tuyển phi công để tiến hành bay thử. Sau khi lăn thử trên đường băng, các phi công xác nhận tính năng của máy bay tốt. Sáng 20/4, 2 máy bay được làm công tác kiểm tra kỹ thuật trước khi bay, nạp xăng dầu vừa đủ để cất hạ cánh và bay vòng khép kín xung quanh sân bay. Kết quả bay thử cả 2 máy bay đều tốt đã làm cán bộ và nhân viên mới hết sức vui mừng. Ngày 21/4, đội đặc nhiệm nhận được chỉ thị tiếp theo: Nhanh chóng bàn giao 2 máy bay A-37 vừa hồi phục xong cho số nhân viên mới và cán bộ ở miền Bắc mới vào tại Sân bay Đà Nẵng để tổ chức bay huấn luyện cho phi công; gấp rút lên đường vào Sân bay Phù Cát tổ chức sửa chữa A-37, ở đó khi địch rút chạy từ Tây Nguyên về để lại 24 máy bay A-37 còn tương đối nguyên vẹn.
Chiếc máy bay A37 do ông Từ Đễ lái trong trận đánh bom Tân Sơn Nhất  được trưng bày tại Bảo tàng Phòng không - Không quân ở Hà Nội.
Chiếc máy bay A37 do ông Từ Đễ lái trong trận đánh bom Tân Sơn Nhất được trưng bày tại Bảo tàng Phòng không - Không quân ở Hà Nội.
Sáng hôm sau, cả đội ra bãi đỗ ngoài sân bay kiểm tra đánh giá sơ bộ số máy bay A-37 còn lại tại Sân bay Phù Cát. Trên cơ sở kiểm tra, đội đặc nhiệm không quân đã lựa chọn được 9 chiếc A-37 còn tương đối tốt để tiếp tục sửa chữa, phục hồi.

Sáng 27/4/1975, số máy bay đã hồi phục xong, kết quả cả 9 máy bay đều bay tốt. Chiều 27/4, Tư lệnh yêu cầu: Chọn trong số máy bay đã hồi phục xong 5 chiếc tốt nhất để sẵn sàng làm nhiệm vụ. Nhận chỉ thị, đội đặc nhiệm lại khẩn trương kiểm tra đánh giá, chọn lọc được 5 chiếc A-37 theo yêu cầu của Tư lệnh. Đại tá Nguyễn Đình Thủy kể lại: “Tôi được đồng chí Chu Hải dẫn vào kho lấy đầy một xe bom MK-81, MK-82 cùng đạn. Anh Minh, anh Soạn cùng số nhân viên mới khẩn trương kiểm tra máy bay A-37 theo nội dung trước khi bay, tiến hành nạp dầu, khí bổ sung. Lượng dầu được nạp tối đa để đảm bảo thời gian bay nhiều nhất. Căn cứ vào tính năng kỹ chiến thuật của máy bay A-37, khi máy bay đã mang dầu tối đa, chỉ còn 2 phương án mang bom cùng có tổng trọng lượng bằng 908kg. Tôi quyết định chọn phương án mang bom số 2: Lắp 2 quả MK82 ở 2 giá sát thân, 4 quả MK81 ở 2 giá số 2 và 2 giá số 4. Lắp bom xong đến đâu, tôi liền lắp ngòi nổ M904E1 vào đầu mỗi quả bom (đã để ở chế độ chạm nổ, có giữ chậm 0,25 giây để nếu bom rơi trúng vòm xuyên qua vào trong mới nổ) cùng các dây khống chế chong chóng của ngòi nổ”.

Mọi công việc chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu đến 15 giờ 20 phút ngày 28/4 hoàn thành. Tất cả cán bộ, nhân viên kỹ thuật hồi hộp chờ đợi giờ nổ máy xuất kích. 16 giờ 20 phút, phi công được lệnh cất cánh, 5 chiếc A-37 dưới sự dẫn đường của phi công Nguyễn Thành Trung dũng mãnh bay về hướng Sân bay Tân Sơn Nhất. Máy bay bay đi rồi, cán bộ chỉ huy, cán bộ kỹ thuật dưới mặt đất ngóng chờ khắc khoải. Đợi mãi cho tới 18 giờ 15 phút ngày 28/4/1975, cả 5 máy bay A-37 hoàn thành nhiệm vụ hạ cánh an toàn trở về sân bay trong sự vui mừng khôn tả của mọi người. Đến lúc này, trong lòng những người cán bộ nhân viên kỹ thuật mới thở phào nhẹ nhõm. Máy bay vũ khí đều hoạt động tốt. Những nỗ lực cố gắng của toàn bộ đội đặc nhiệm đã tạo cơ hội và đúng thời cơ góp phần cho Phi đội Quyết thắng lập nên chiến công.