Ông nhìn nhận thế nào về những mục tiêu trong Chiến lược phát triển VLXD của Chính phủ được ban hành mới đây?
- Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình phát triển VLXD, vì vậy ngành sản xuất VLXD đã đạt được nhiều thành tựu. Mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành công nghiệp sản xuất VLXD giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2050 là phải đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất VLXD lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế. Hạn chế xuất khẩu những sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu là tài nguyên khoáng sản không tái tạo. Tôi cho rằng, đây là mục tiêu đúng đắn và phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam, nhưng vẫn còn một số điểm cần phải lưu tâm.
Điểm cần lưu tâm ông muốn nhắc tới ở đây là gì?
- Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025, các nhà máy xi măng hiện có công suất nhỏ hơn 2.500 tấn clanke/ngày cần phải thay đổi công nghệ và chỉ đầu tư mới dây chuyền sản xuất không dưới 5.000 tấn clanke/ngày. Tôi cho rằng, câu chuyện về môi trường phải được quan tâm hàng đầu. Vì trong sản xuất VLXD nói chung, nhà máy lớn hay nhỏ đều có liên quan đến môi trường. Nếu nhà máy nhỏ mà công nghệ sản xuất tốt, kinh doanh ổn định thì cứ cho tồn tại; còn nhà máy lớn nhưng công nghệ sản xuất không bảo đảm tiêu chí môi trường thì không thể tồn tại.
Vậy để bảo đảm vấn đề về môi trường trong sản xuất VLXD cần phải làm gì, thưa ông?
- Trong chiến lược có nêu rất rõ là đổi mới về công nghệ, vì chỉ có đổi mới về công nghệ sản xuất thì mới có thể giảm thiểu các yếu tố tác động xấu đến môi trường. Tôi cho rằng, để giải quyết vấn đề này cần phải có giải pháp cụ thể của Nhà nước đối với từng loại VLXD. Đơn cử như trong sản xuất xi măng, số lượng dây chuyền dưới 5.000 tấn clanke/ngày chiếm số lượng lớn. Nếu muốn hạn chế đầu tư thêm thì Chính phủ cần phải có lộ trình và giải pháp để giúp các DN có thể đổi mới công nghệ, chẳng hạn như vốn vay, chính sách về thị trường... vì thực tế, những dây chuyền nhỏ nếu không có giải pháp, lộ trình phát triển thì họ cũng sẽ tự bị đào thải hoặc nếu đầu tư lớn chi phí cao, dẫn đến giá bán tăng thì cũng không thể cạnh tranh trên thị trường.
Xin cảm ơn ông!