Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0: Động lực tăng trưởng mới

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ KH&ĐT vừa hoàn thành dự thảo Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đến năm 2030. Theo đó, tất cả ngành nghề, lĩnh vực đều hướng tới kết nối số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin với mục tiêu tổng quát “thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng, phát triển các công nghệ của CMCN 4.0 để đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế có tốc độ và chất lượng tăng trưởng cao, có năng lực cạnh tranh cao trên thế giới…”.

 Dây chuyền hàn khung tự động tại nhà máy ô tô Vinfast. Ảnh: Tuấn Minh

Chủ động đón cơ hội
Theo Chiến lược, định hướng áp dụng và phát triển các công nghệ của CMCN 4.0 giai đoạn 2021 - 2030 bao gồm: Áp dụng các công nghệ của CMCN 4.0 trong xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số để quản lý Nhà nước thông minh hơn, nhanh hơn, minh bạch và hiệu lực, hiệu quả hơn; đem lại sự hài lòng cao cho người dân và DN. Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025, hạ tầng internet cáp quang và internet di động băng rộng tốc độ cao (4G và 5G) phủ sóng toàn bộ các xã, tỷ lệ người dân sử dụng internet đạt 90%, đến năm 2030 đạt 100%. Đến năm 2025, 100% các cơ quan hành chính thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% các đơn vị sự nghiệp công ứng dụng công nghệ thông tin trong giao tiếp với người dân và áp dụng thanh toán trực tuyến hoặc thanh toán bằng thiết bị di động...

Yếu tố quan trọng đầu tiên trong cuộc CMCN 4.0 là làm sao Việt Nam có thể thúc đẩy được khối tư nhân trong nước, đây là điều tối quan trọng. Thứ hai là làm sao để Việt Nam có đột phá về cơ sở hạ tầng và có các hạ tầng chất lượng. Thứ ba là làm thế nào để đầu tư vào nguồn nhân lực cho phù hợp với thế kỷ 21. 

Giám đốc World Bank Việt Nam Ousmane Dione

Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thực hiện nâng cấp, chuyển đổi công nghệ bao gồm: Hành chính công, điện - nước, y tế, giáo dục, chế tạo, nông nghiệp, vận tải và kho vận, thương mại, thông tin và truyền thông, tài chính – ngân hàng. Các công nghệ ưu tiên phát triển bao gồm: Kết nối di động 5G và sau 5G; trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật, an ninh mạng...
Dự thảo Chiến lược cũng đưa ra các con số cụ thể về mục tiêu ứng dụng, chuyển đổi công nghệ của DN và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Chẳng hạn, có ít nhất 5 công ty công nghệ đạt giá trị từ 1 tỷ USD (unicorn) vào năm 2025. Con số này sẽ là 10 công ty vào năm 2030. Một mục tiêu khác là có ít nhất 5 công ty vào năm 2025 và 10 công ty vào năm 2030 có xuất khẩu sang các nước G7 hàng hóa, dịch vụ có dùng các công nghệ của CMCN 4.0…
DN Việt đang rất hào hứng với các thông điệp của Chính phủ về 4.0, về nền kinh tế số. Áp dụng các công nghệ của CMCN 4.0 để nâng cấp, chuyển đổi hệ thống sản xuất và kinh doanh, tối ưu hóa phân bổ nguồn lực, phát triển sản xuất, kinh doanh nhanh hơn, cắt giảm chi phí, tìm kiếm thêm thị trường trong nước và quốc tế, nâng cao năng suất của DN nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, CMCN 4.0 là cơ hội để rút ngắn khoảng cách phát triển nếu chúng ta hành động đúng và đi đúng đường.

 Bàn hỗ trợ công dân đăng ký dịch vụ công tại bộ phận một cửa quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Thanh Hải

Hiện đại hóa thể chế
Dự thảo Chiến lược đã đặc biệt nhấn mạnh việc xây dựng thể chế cho các mô hình kinh doanh mới. Theo đó, nguyên tắc hàng đầu là việc xây dựng thể chế cho các ngành, nghề kinh doanh mới phải bảo đảm “thông thoáng, phù hợp với mức độ rủi ro” của từng ngành, nghề, hoạt động kinh doanh cụ thể.
Thực chất, thể chế pháp luật trong CMCN 4.0 đóng vai trò rất quan trọng. Trong vài năm gần đây, một số mô hình kinh doanh mới đã hình thành, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đã có bước phát triển khá mạnh. Đó là Got It với các ứng dụng giáo dục, Holistics với dịch vụ quản lý dữ liệu, ELSA với dịch vụ học tiếng Anh bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo và MoMo với ứng dụng ví điện tử sử dụng công nghệ điện toán đám mây. Đó là sự xuất hiện của Grab, Uber, Airbnb, các dịch vụ cho vay ngang hàng…
Tuy nhiên, cách hành xử của cơ quan quản lý với các loại hình DN này, ví dụ xử Vinasun thắng kiện Grab hay yêu cầu xe công nghệ cũng phải gắn mào… được dư luận cho rằng chưa theo kịp sự phát triển của thị trường. “Công nghệ đang làm mờ dần ranh giới giữa các quốc gia, đòi hỏi phải có phản ứng chính sách kịp thời và giải pháp pháp lý phù hợp. Một trong những yêu cầu cấp bách của CMCN 4.0 là xây dựng và hoàn thiện thể chế, cùng với chính sách pháp luật” - Giám đốc World Bank Việt Nam Ousmane Dione chia sẻ.
Còn theo TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản ký kinh tế T.Ư (CIEM): “Sẽ không thể có công nghiệp 4.0 với một bộ máy 1.0 - như vậy sẽ không tương thích được”. TS Nguyễn Đình Cung cũng đồng tình với cơ quan soạn thảo đề ra trong Dự thảo: Trường hợp cơ quan Nhà nước chưa có quy định cụ thể, thì áp dụng nguyên tắc “DN được tự do kinh doanh” trong các ngành, lĩnh vực không cấm; cơ quan Nhà nước không được yêu cầu DN xin phép kinh doanh khi chưa quy định điều kiện kinh doanh cho sản phẩm, dịch vụ cụ thể mà DN muốn đầu tư, kinh doanh.