Chiều hướng nhân sự trái ngược ở Mỹ sau đại dịch

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi nhiều ông lớn cắt giảm nhân sự hàng loạt, số khác lại đang giành giật nhau từng nhân viên, di sản không mong muốn của thời hậu Covid.

Một tấm biển tuyển nhân viên của nhà hàng Chipotle ở New York ngày 29/4/2022
Một tấm biển tuyển nhân viên của nhà hàng Chipotle ở New York ngày 29/4/2022

Trong vài tuần qua, mấy gã khổng lồ công nghệ Meta, Amazon và Microsoft cùng với các ông lớn như Disney và Zoom liên tiếp tuyên bố cắt giảm nhân sự.

Trong tháng 1/2023, các công ty tại Mỹ đã cắt giảm gần 103.000 việc làm - mức cao nhất kể từ tháng 9/2020 - theo một báo cáo từ công ty Challenger, Grey & Christmas.

Trong thời gian đó, nhiều công ty khác đã tạo thêm 517.000 việc làm, gần gấp ba lần con số dự đoán. Điều này cho thấy thị trường lao động vẫn còn khan hiếm, đặc biệt trong các lĩnh vực dịch vụ vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, như nhà hàng và khách sạn.

Tình hình trên khiến việc dự đoán nền kinh tế Mỹ trở nên khó khăn hơn, nhất là khi chi tiêu tăng mạnh bất chấp lãi suất cao và lạm phát kéo dài.

David Kelly, chiến lược gia trưởng toàn cầu tại J.P. Morgan Asset Management, cho biết tất cả đều do "vết sẹo” Covid để lại.

Theo dữ liệu gần đây nhất từ Cục Thống kê Lao động, tiền lương trong ngành giải trí và khách sạn đã tăng từ 19,42USD/giờ năm ngoái lên 20,78 USD/giờ trong tháng 1/2023.

Áp lực tiền lương khiến nhiều ông chủ phải đối mặt vô vàn khó khăn trong thu hút và giữ chân nhân viên, nhất là khi đối thủ cạnh tranh đưa ra thời gian làm việc và mức lương tốt hơn.

Với lãi suất tăng và lạm phát tiếp tục ở mức cao, người tiêu dùng có thể sẽ phải giảm chi tiêu và gây ra tình trạng mất việc làm hoặc giảm nhu cầu tuyển dụng trong các lĩnh vực đang phát triển mạnh.

Củng cố lại

Tháng trước, Amazon đã thông báo cắt giảm 18.000 việc làm. Công ty này đã tuyển dụng 1,54 triệu người vào cuối năm ngoái - ngay trước đại dịch, gần gấp đôi số nhân sự trước Covid-19 (năm 2019).

Microsoft cho biết họ đang cắt giảm 10.000 việc làm tương đương với khoảng 5% lực lượng lao động. Tính đến cuối tháng 6 năm ngoái, gã khổng lồ này có tổng cộng 221.000 nhân viên, so với 144.000 trước đại dịch.

Trong khi đó, các công ty khác vẫn đang bổ sung nhân sự. Hãng máy bay Boeing đang có kế hoạch tuyển 10.000 người trong năm nay, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất và kỹ thuật để đáp ứng các đơn đặt hàng mới. Công ty cũng sẽ cắt giảm khoảng 2.000 việc làm, phần lớn ở bộ phận nhân sự và tài chính. 

Các hãng hàng không đã tổn thất nghiêm trọng bởi đại dịch khi nhu cầu đi lại ít dần và giờ đang cố gắng phục hồi.

Chipotle đang có kế hoạch thuê 15.000 công nhân để chuẩn bị cho một mùa xuân bận rộn hơn đồng thời mở rộng hoạt động kinh doanh.

Giữ chân nhân viên

Các doanh nghiệp nhận thấy phải tăng lương để thu hút và giữ chân người lao động. Một số ngành ít được ưa chuộng như nhà hàng và hàng không vũ trụ đang củng cố lại lực lượng lao động sau khi sa thải hàng loạt nhân viên.

Walmart cho biết họ sẽ tăng mức lương tối thiểu cho nhân viên cửa hàng lên 14 USD/giờ để thu hút và giữ chân người lao động.

The Miner's Hotel ở Butte, Montana đã tăng lương làm theo giờ cho quản gia thêm 1,50 USD/tiếng lên 12,50 USD/giờ trong sáu tuần qua nhờ doanh thu cao.

Trong khi đó, các sân bay và công ty nhượng quyền cũng đã chạy đua để thuê nhân công khi du lịch phục hồi. Sân bay Quốc tế Phoenix Sky Harbor đã tổ chức nhiều hội chợ việc làm hàng tháng và phụ cấp cho người có con nhỏ để dễ tuyển dụng.

Một ví dụ khác, sân bay quốc tế Austin-Bergstrom - nơi có số lịch bay trong Quý I tăng 48% so với cùng kỳ năm 2019 - đã đưa ra một số sáng kiến như thưởng đến 1.000 USD cho môi giới lao động thành công.