Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc thường xuyên
Đây không phải là lần đầu tiên Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có một Nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh người sáng lập, xây dựng và rèn luyện Đảng ta, sinh thời luôn chú trọng đến việc tăng cường kỷ luật trong Đảng. Trong Quốc lệnh tháng 1/1946, Bác đã yêu cầu: Duy trì kỷ luật, thưởng và phạt là quan trọng và cần thiết nhằm động viên trong mọi người giữ nghiêm kỷ luật.
Đường phố Thủ đô được trang hoàng rực rỡ nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng và đón Xuân Quý Tỵ.Ảnh: Hải Linh
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: "Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính". Bác phân tích, nguyên nhân sâu xa khiến người đảng viên mắc những căn bệnh nguy hiểm như kiêu ngạo, hống hách, tham ô, lãng phí chính là chủ nghĩa cá nhân. Chính chủ nghĩa cá nhân đã khiến những đảng viên thoái hóa, biến chất, sa ngã, vi phạm kỷ luật Đảng.
Vì lợi ích cá nhân, họ kéo bè kéo cánh, gây chia rẽ, mất đoàn kết trong Đảng, từ đó gây hậu quả nghiêm trọng: Làm giảm sức mạnh của Đảng, làm mất cán bộ, đảng viên, khiến người dân giảm sút niềm tin với Đảng. Thực tiễn cho thấy, ngay từ ngày thành lập, vận mệnh của dân tộc ta đã gắn liền với vận mệnh của Đảng. Do vậy, việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là điều kiện quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Để xây dựng Đảng vững mạnh, ngang tầm với đòi hỏi của dân tộc và thời đại, đặc biệt là trong điều kiện Đảng cầm quyền, Đảng phải thật trong sạch. Sức sống, sự lớn mạnh của Đảng phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng, của dân tộc 83 năm qua đã chứng minh: Bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, Đảng liên hệ chặt chẽ với quần chúng, được quần chúng tin tưởng, ủng hộ thì Đảng vững mạnh, lãnh đạo cách mạng thành công; còn nếu xa rời quần chúng, không được quần chúng tin tưởng, ủng hộ thì sẽ suy yếu, giảm sút sức chiến đấu và có khi vấp phải thất bại. Muốn vững mạnh, muốn được quần chúng tin tưởng, ủng hộ, điều bắt buộc là Đảng phải luôn trong sạch. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng là một nhiệm vụ tất yếu, thường xuyên.
Đảng mạnh lên sau xây dựng, chỉnh đốn
Đây chính là kỳ vọng của các đảng viên và quần chúng nhân dân cả nước đối với việc triển khai Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI. Trước đó, Đảng cũng đã có các nghị quyết về vấn đề này như Nghị quyết T.Ư 3 (khóa VII), Nghị quyết T.Ư 6 (lần 2) khóa VIII, Nghị quyết T.Ư 9 (khóa IX, X) đặt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là việc rất quan trọng, thực hiện toàn diện từ chính trị, tư tưởng và tổ chức tốt công tác cán bộ, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ đảng viên. Khi ban hành Nghị quyết T.Ư 6 (lần 2), khóa VIII (năm 1999), Đảng ta đã nhận định: "Có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện xa rời kỷ luật Đảng, thoái hóa biến chất".
Toàn cảnh Hội nghị cán bộ TP Hà Nội học tập, quán triệt Nghị quyết T.Ư 4.Ảnh: Thanh Hải
Còn trong những năm gần đây, do tập trung phát triển kinh tế, có thời điểm một số tổ chức Đảng đặc biệt ở những đơn vị quản lý kinh tế, những tập đoàn kinh tế lớn đã buông lỏng, xao nhãng công tác quản lý cán bộ dẫn đến kỷ luật không nghiêm, nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực, nhất là về đạo đức, lối sống của nhiều cán bộ, đảng viên có chức, có quyền gây bức xúc trong dư luận xã hội. Khi ban hành Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) Đảng cũng đã nhận định: "Công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng còn yếu; tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được ngăn chặn, đẩy lùi; nhiều đảng viên và tổ chức Đảng tính chiến đấu chưa cao, nhất là ở tổ chức cơ sở Đảng; việc xây dựng quy chế và hoàn thiện quy chế theo hướng đổi mới phương thức lãnh đạo còn hạn chế và có nhiều lúng túng...”.
Điều này dẫn đến niềm tin của dân với Đảng, vai trò lãnh đạo điều hành của Đảng có những thời điểm xuống rất thấp. Thậm chí, ngay cả khi Đảng ban hành Nghị quyết T.Ư 4 đã có những nghi ngờ về tính hiện thực của một nghị quyết. Bởi, như trên đã dẫn, trong công tác tổ chức, xây dựng và kiểm tra kỷ luật của Đảng đã phổ biến sâu rộng đến từng chi bộ, Đảng bộ nhưng thực hiện như thế nào, kết quả ra sao? Tại sao có những vụ việc cán bộ đảng viên sai phạm, mất uy tín nhưng việc kỷ luật chậm thực hiện? Việc kiểm tra xử lý những cán bộ sai phạm ở nhiều nơi vẫn chỉ là "giơ cao, đánh khẽ", nói nhiều hơn hành động?... Tất cả những điều này tạo tâm lý hoài nghi ở việc tổ chức triển khai Nghị quyết T.Ư 4 lần này. Đây cũng là áp lực đối với hệ thống công tác tổ chức, kỷ luật của Đảng.
Trong quá trình quán triệt, triển khai Nghị quyết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: "Nghị quyết đã được toàn Đảng, toàn dân rất hoan nghênh và tán thành, coi như đã thổi một luồng sinh khí mới vào đời sống chính trị của đất nước. Tuy nhiên, tâm lý chung hiện nay là đang chờ đợi, chờ đợi và hy vọng".
Nhân dân đã coi công việc bảo vệ và xây dựng Đảng như công việc của mình. Cuộc sống đời thường còn đầy bề bộn, lo toan, "dân dĩ thực vi thiên", nhưng nhân dân vẫn quan tâm đến chính trị, đến Đảng và chế độ XHCN. Điều đó cho thấy tính tích cực chính trị của công dân đang được tiếp nối và khơi dậy mạnh mẽ. Cũng có thể còn nhiều bức xúc, nhiều nguyện vọng của nhân dân chưa giải quyết được thấu đáo, đôi chỗ có cả lời ca thán… Song cần thấy rằng, về cơ bản đây vẫn là những biểu hiện, tuy khá "gai góc", nhưng bộc trực và là một biểu hiện của tính tích cực chính trị. Nó thôi thúc Đảng ta vươn lên ngang tầm nhiệm vụ. Và, sức mạnh vĩ đại này cũng cần được Đảng ta luôn nuôi dưỡng và nắm giữ, bởi cuộc chiến đấu chống giặc nội xâm lần này vô cùng phức tạp, khó khăn, Đảng cần được Dân ủng hộ, hiến kế. Thành công của đợt chỉnh đốn này tùy thuộc phần quan trọng ở đây.