Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chỉnh lý điều kiện để đại học tự chủ

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đã có những chỉnh lý để đáp ứng hơn với nhu cầu thực tiễn. Đó là thông tin lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết tại phiên họp với Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng (VHGDTTN&NĐ) vừa qua.

 Sinh viên Đại học Công nghiệp trong giờ thực hành. Ảnh: Phạm Hùng

Không thương mại hóa giáo dục đại học

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thị Kim Phụng, về tự chủ đại học, có ý kiến kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ mức độ, lộ trình, thời gian, các điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tự chủ; quy định rõ hơn về vấn đề về tự chủ học thuật, tăng tính tự chủ về tài chính, nhân sự… Tiếp thu nội dung này, Dự Luật đã chỉnh lý theo hướng cụ thể quy định rõ điều kiện để cơ sở GDĐH được tự chủ, làm rõ trách nhiệm giải trình trên nguyên tắc minh bạch, khách quan và trung thực. Quy định rõ về cơ chế kiểm định chất lượng trong việc thực hiện tự chủ đại học cũng như vai trò, vị trí của Hội đồng trường trong việc dẫn dắt trường phát triển.

Về cơ sở GDĐH tư thục, Dự Luật cũng quy định rõ mô hình và cơ chế tài chính của cơ sở ngoài công lập vận dụng theo mô hình DN và đảm bảo tính đặc thù của GDĐH, không thương mại hoá… Nhà nước có cơ chế phân bổ nguồn lực cho GDĐH theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả, đảm bảo bình đẳng công tư trong điều chỉnh pháp luật.

Các thành viên Ủy ban VHGDTTN&NĐ cũng cho rằng, cần phải làm rõ vấn đề tài chính, tài sản và sở hữu của trường tư thục; cụ thể hóa chính sách ưu tiên đối với cơ sở không vì lợi nhuận. Đặc biệt, làm rõ tư cách của trường có vốn đầu tư nước ngoài: Là DN hay trường đại học. Đồng thời, xem xét bỏ quy định cơ sở GDĐH có từ 51% vốn đầu tư nước ngoài được tự quyết định cơ cấu tổ chức.

Giữ nguyên khái niệm học phí

Về tài chính đại học, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, tiếp thu ý kiến các đại biểu, Dự Luật đã giữ nguyên khái niệm học phí với cơ chế tính giá dịch vụ đào tạo. Bổ sung quy định về nguồn thu của cơ sở GDĐH từ hoạt động của doanh nghiệp khoa học công nghệ trong nhà trường và từ các trung tâm ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học.
Quy định yêu cầu bắt buộc công khai chi phí đào tạo (suất đầu tư) và mức học phí và có chính sách học bổng hỗ trợ sinh viên khi thu học phí cao. Quy định trách nhiệm xã hội của các trường với việc bắt buộc phải dành tỉ lệ học phí để thực hiện chính sách học bổng cho học sinh nghèo hoặc đối tượng được hưởng chính sách xã hội… Đồng thời, quy định rõ những chi phí được tính vào học phí; làm rõ căn cứ để đánh giá dịch vụ tương ứng với số tiền bỏ ra. Đồng thời có quy định về thực hiện phương thức đặt hàng đào tạo không phân biệt công tư trên cơ sở dự báo của Bộ GD&ĐT…

Liên quan đến hình thức đào tạo, đáng chú ý, cùng với các phương thức đào tạo hiện nay, Dự Luật lần này đã bổ sung thêm hình thức đào tạo trực tuyến. Đồng thời, bổ sung hình thức đào tạo toàn thời gian đối với các chương trình đào tạo chính quy; hình thức bán thời gian hoặc đào tạo trực tuyến đối với các chương trình đào tạo từ xa, vừa làm vừa học; Quy định về việc cho phép kết hợp các hình thức đào tạo trực tuyến với hình thức đào tạo toàn thời gian hoặc bán thời gian.

Một điểm đặc biệt sau khi chỉnh lý là Dự Luật không quy định cứng thời gian đào tạo. Tiếp thu ý kiến cho rằng xác định thời gian đào tạo theo tín chỉ mâu thuẫn với quy định về thời gian đào tạo, không phù hợp thực tiễn… Dự Luật đã được chỉnh lý theo hướng chỉ quy định thời gian tối thiểu cần hoàn thành chương trình đào tạo đối với mỗi trình độ đào tạo. Đồng thời, có quy định cởi mở, thông thoáng hơn trong mở ngành, tăng cường chủ động cho các trường; quy định rõ các điều kiện để mở mã ngành và cơ chế kiểm tra, giám sát, trên cơ sở đó giao thẩm quyền cho Hội đồng trường quyết định việc mở ngành đào tạo.