Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính phủ Ấn Độ tiếp tục siết chặt quản lý các mạng xã hội

Theo Vietnam+
Chia sẻ Zalo

Các quan chức ngày 25/10 cho biết Chính phủ Ấn Độ đã triệu tập cuộc họp với đại diện các mạng truyền thông xã hội gồm Google, Facebook, WhatsApp, Twitter, YouTube và Instagram, yêu cầu các hãng này thực hiện những bước đi cụ thể nhằm kiểm soát việc lan truyền những tin nhắn và tin đồn gây kích động bất ổn, hoạt động tội phạm mạng và các hành vi khác có thể gây ngụy hại đến an ninh quốc gia.

Biểu tượng mạng xã hội Facebook. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, tại cuộc họp diễn ra hôm 24/10, Bí thư Bộ Nội vụ Ấn Độ Rajiv Gaub cũng đề nghị các công ty này triển khai nhân viên xử lý tình huống đặt trụ sở tại Ấn Độ và phát triển cơ chế theo dõi để ngăn ngừa và xóa bỏ những nội dung tiêu cực.

Một quan chức bộ trên nêu rõ: "Bí thư Nội vụ đã yêu cầu các công ty thực hiện những bước đi cụ thể nhằm đảm bảo duy trì một hệ thống hiệu quả cho việc ngăn ngừa những hành vi lạm dụng nền tảng của họ để thực hiện những hoạt động gây nguy hại tới an ninh quốc gia."

Bên cạnh đó, các mạng xã hội này cũng được yêu cầu áp dụng một hệ thống có thể nhanh chóng chia sẻ những thông tin mà các cơ quan thực thi pháp luật tìm kiếm để phục vụ công tác điều tra.

Tham dự cuộc họp trên còn có các quan chức thuộc Cục Viễn thông và nhiều cơ quan an ninh khác. Cuộc họp nhằm đánh giá những biện pháp đã được thực hiện cho đến nay nhằm ngăn chặn kẻ xấu lợi dụng mạng xã hội để lan truyền tin đồn, gây bất ổn, kích động hoạt động tội phạm mạng, đặc biệt nhằm vào phụ nữ và trẻ em và các hoạt động khác gây tổn hại tới lợi ích quốc gia.

Tại cuộc họp, tất cả các mạng truyền thông xã hội đều cam kết hợp tác đầy đủ với Chính phủ Ấn Độ và báo cáo về những bước đi mà họ đã thực hiện để đảm bảo ngăn chặn những trang web và xóa bỏ các nội dung tiêu cực, độc hại với công chúng.

Gần đây ở Ấn Độ đã xảy ra một số vụ việc thu hút sự quan tâm lớn của dư luận khi một số mạng truyền thông xã hội bị lợi dụng để phát tán những thông tin có nội dung thù hận, các tin đồn thất thiệt gây kích động bạo lực, kể cả việc chống lại phụ nữ, trong khi các "ông lớn Internet" - hầu hết đặt trụ sở bên ngoài Ấn Độ, lại từ chối chia sẻ thông tin về người dùng hay các tin nhắn bằng việc viện dẫn quyền bí mật riêng tư.

Kể từ sau một cuộc họp đánh giá do Bí thư Rajiv Gauba tổ chức với các đại diện truyền thông xã hội hồi tháng 6 vừa qua, Chính phủ Ấn Độ đã xúc tiến một loạt cuộc làm việc giữa giới chức thực thi pháp luật với các công ty truyền thông xã hội, để đảm bảo xây dựng cơ chế hiệu quả nhằm ngăn chặn những phần tử xấu lợi dụng mạng xã hội và những kẻ liên quan đến việc phát tán các nội dung về lạm dụng tình dục trẻ em./.