Thời cơ lớn nhưng không chủ quan
Khái quát tình hình kinh tế tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2019, Thủ tướng cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh có nhiều mặt tích cực. Kinh tế vĩ mô, giá cả ổn định. CPI tháng 2 chỉ tăng 0,8%. Xuất khẩu tăng. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng cao ở mức 9,2%. Đặc biệt, tổng cầu tiếp tục tăng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm trước tăng 9,25%).
Cả nước có gần 16.000 DN đăng ký thành lập mới, giảm 14,6% về số DN, do một trong những nguyên nhân chính là thời gian nghỉ Tết Kỷ Hợi kéo dài tới 9 ngày. Tuy nhiên, số vốn đăng ký tăng 25,4% so với cùng kỳ. Có trên 10.000 DN trở lại hoạt động tăng 48,2% so với cùng kỳ. Đặc biệt, có một số lĩnh vực đạt kết quả nổi bật như đầu tư nước ngoài tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ, vốn FDI thực hiện tăng 9,8%. Số lượng khách du lịch cũng ở mức kỷ lục so với cùng kỳ.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2019 ước đạt 3,15 triệu lượt khách, tăng 10,12% so với cùng kỳ. Riêng tháng 2 có gần 1,6 triệu lượt khách đến Việt Nam, đây là tháng đón lượng khách quốc tế lớn nhất. Chính phủ đánh giá “Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều là cơ hội vàng cho du lịch, đặc biệt là quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam và Hà Nội - Thành phố hoà bình, quảng bá nét văn hoá, ẩm thực.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra một số vấn đề, đó là dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát tại 5 tỉnh và đã công bố dịch. Giá lúa đồng bằng sông Cửu Long xuống thấp và Thủ tướng chỉ đạo một số giải pháp cần thiết, trong đó yêu cầu Cục Dự trữ (Bộ Tài chính) thực hiện kế hoạch mua 200 nghìn tấn gạo, 80 nghìn tấn thóc và nhiều biện pháp về thương mại để đẩy giá lúa tăng lên. Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp do nghỉ Tết dài ngày nên cũng bị ảnh hưởng...
Nhấn mạnh chủ trương tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng. Nhiệm vụ thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước và quốc tế để kịp thời có những phản ứng chính sách phù hợp. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, các bộ, ngành khẩn trương có giải pháp, kể cả thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công...
Đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường ứng dụng công nghệ
Tại cuộc họp báo chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Cục Xúc tiến thương mại vừa ký kết hợp tác với Amazon Global Sellin. Thông qua kênh bán hàng trực tuyến này, các DN vừa và nhỏ có thể tiếp cận 300 triệu tài khoản đã đăng ký bán mua hàng trên Amazon và số lượng tài khoản này cũng không ngừng gia tăng.
Đây là một trong những nội dung cải tiến, đổi mới xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các DN Việt Nam quảng bá sản phẩm thúc đẩy xuất khẩu, với chi phí rất hợp lý. “Tới đây, Bộ Công Thương tiếp tục hợp tác với một số DN, tập đoàn lớn, như tại hệ thống Aone cam kết đến 2020 tiêu thụ 1 tỷ USD hàng hoá Việt Nam" - đại diện Bộ Công Thương nói.
Trả lời câu hỏi về tình trạng hàng hóa một số nước vào Việt Nam "đội lốt" hàng Việt Nam để xuất đi nước thứ 3, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thừa nhận có xảy ra thực trạng này: “Trong thời gian qua, việc lấy xuất xứ hàng Việt Nam của một số nước với mục đích chủ yếu là tận dụng ưu đãi thuế từ các Hiệp định FTA của Việt Nam.
Nhiều ngành hàng sẽ bị thiệt hại lớn do các nước khác có thể đưa ra các biện pháp trừng phạt ví dụ như mặt hàng thép, nhôm". Ông Hải cho hay, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với bộ ngành liên quan và chính quyền địa phương ngăn 2 chiều, một chiều từ nước ngoài vào Việt Nam và một chiều gia công mẫu mã nhãn mác xuất khẩu sang nước khác.
Trả lời về việc giá lúa giảm dẫn đến việc Thủ tướng phải yêu cầu mua dự trữ sớm 200.000 tấn. Theo ông Hải đây là bản chất của cung và cầu, khi cung vượt quá cầu thì giá gạo "không được như mong đợi của người dân và cơ quan quản lý". Trước thực trạng đó, cơ quan chức năng đã đến một số địa phương như Đồng Tháp - nơi có lượng gạo bán lớn để đề xuất việc tạm trữ, thu mua gạo của bà con. Vì vậy, mấy ngày gần đây giá lúa gạo đã tăng lên đáng kể.
"Tuy nhiên, ngoài việc giải quyết trước mắt như vậy thì việc sản xuất phải gắn với đầu ra, giải cứu không phải là giải pháp lâu dài. Để làm được phải có sự chỉ đạo chung của Chính phủ, sự đồng hành của Bộ NN&PTNT và các Bộ, ngành liên quan"- ông Hải nói.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nói thêm, sau khi Thủ tướng chỉ đạo mua dự trữ lúa gạo cùng với thông tin Trung Quốc nhập 100.000 tấn thì giá lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long đã có chuyển biến tích cực. Hiện giá lúa ổn định ở mức 4.500 - 4.600 đồng/kg.
Tại buổi họp báo, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết sẽ trình Chính phủ Đề án kinh tế chia sẻ trước tháng 6/2019. Nội dung của Đề án là thúc đẩy, khuyến khích, tranh thủ cơ hội mới trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, đưa các hình thức kinh doanh mới vào nền kinh tế tạo sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Trong đó chú trọng đến 3 vấn đề là: Hình thức pháp lý, loại hình kinh doanh mới khác so với kinh doanh truyền thống nên phải sắp xếp lại; hệ thống pháp luật thương mại điện tử phải đồng bộ thống nhất; và thứ ba là hành lang pháp lý quản lý, kê khai thuế đối với hoạt động kinh tế chia sẻ.