Chiều 6/9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo của Chính phủ về xử lý tồn tại vướng mắc 12 dự án ngành công thương đã chủ trì phiên họp lần thứ 4 của Ban chỉ đạo.
Cuộc họp nhằm cập nhật tình hình xử lý các tồn tại, yếu kém tại các dự án đã được Chính phủ xác định từ cuối năm 2016.
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo hoan nghênh lãnh đạo Bộ Công Thương đã tích cực chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty thực hiện xử lý, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, nhà máy. Các bộ, ngành khác trong phạm vi trách nhiệm cũng thể hiện rõ vai trò tích cực trong phối hợp hoạt động.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao Tập đoàn Dầu khí đã vào cuộc, xử lý 5 dự án, nhà máy với các phương án, kế hoạch quyết liệt.
“Nhờ nỗ lực của các bộ, ngành và doanh nghiệp nên nhiều nhà máy, dự án đã có giá bán cao hơn biến phí, bù đắp một phần khấu hao và một số doanh nghiệp như DAP Hải Phòng và Thép Việt Trung đã có lãi”, Phó Thủ tướng khái quát.
Tuy nhiên, Trưởng Ban chỉ đạo cho rằng việc xử lý các vướng mắc của nhà thầu EPC ở một số dự án chưa tiến triển nhiều; việc tái cơ cấu nợ của Ngân hàng Phát triển và một vài ngân hàng thương mại còn chậm ở một vài dự án, nhà máy; một số cơ chế chính sách chưa được thực hiện kịp thời như thuế xuất khẩu thạch cao nhân tạo, sửa Luật số 71 về thuế giá trị gia tăng; chuyển biến của một số dự án, nhà máy còn chậm chưa có kết quả rõ ràng như PVTex.
Để triển khai hiệu quả, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, doanh nghiệp từ nay tới hết quý IV tiếp tục cập nhật các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng-Trưởng Ban chỉ đạo tại các thông báo kết luận nội dung làm việc. Ví dụ đối với PVTex, Phó Thủ tướng nêu rõ Chính phủ không bỏ thêm tiền để khởi động lại Nhà máy mà đây là trách nhiệm và quyền hạn của các cổ đông liên quan.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, doanh nghiệp kiện toàn các ban chỉ đạo xử lý khó khăn vướng mắc của 12 dự án, nhà máy; cơ bản hoàn thành dứt điểm các vướng mắc pháp lý với các nhà thầu EPC trong năm 2017 với các báo cáo vướng mắc và lộ trình xử lý cụ thể các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ xử lý.
Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo theo thẩm quyền tới các ngân hàng thương mại về việc cơ cấu lại các khoản nợ, rà soát phân loại nợ, làm căn cứ để Bộ Tài chính giãn khấu hao cho các nhà máy, dự án; Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật số 71 và thuế xuất khẩu thạch cao nhân tạo.
Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu từng dự án, nhà máy tiếp tục tăng cường tiết kiệm, tiết giảm chi phí để có lãi, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các phương án xử lý, tháo gỡ khó khăn cho các dự án, nhà máy.
Theo yêu cầu của Bộ Chính trị, tới hết năm 2018, Chính phủ phải giải quyết căn bản các yếu kém của các dự án và tới năm 2020 hoàn thành việc xử lý các dự án, nhà máy này.