Trả lời câu hỏi của phóng viên về đề xuất gộp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán tại buổi họp báo Chính phủ chiều 3/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho rằng, đây chỉ là những suy nghĩ cá nhân, hiện Chính phủ chưa nhận được báo cáo chính thức của cơ quan nào.
Theo Bộ trưởng, nước ta có Tết cổ truyền dân tộc, ngày nghỉ được ghi trong Luật Lao động, trong đó được nghỉ Tết Dương lịch, ngày Quốc tế Lao động 1/5, ngày Quốc khánh 2/9, Tết cổ truyền…
Buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2017 dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn. |
“Tết cổ truyền là truyền thống văn hóa, nét đẹp của Việt Nam, đi vào tiềm thức, chúng ta phải giữ. Chưa cơ quan quản lý Nhà nước nào đặt vấn đề như phóng viên nêu. Đây là suy nghĩ cá nhân của một số chuyên gia nên ta chưa thảo luận, Chính phủ hiện cũng không đặt vấn đề gì”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Trước đó, mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin thêm về nội dung phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2017, trong đó, về tình hình trong dịp Tết Nguyên đán, các ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, nhìn chung, Tết cổ truyền Đinh Dậu 2017 được tổ chức đầm ấm, vui tươi, lành mạnh, an toàn; tạo không khí vui mừng, phấn khởi, tin tưởng trên khắp cả nước.
Công tác chuẩn bị phục vụ nhân dân đón Tết được chỉ đạo sớm và khá đồng bộ. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thăm, chúc Tết một số nơi và đi kiểm tra tình hình ứng trực tại một số địa bàn trọng điểm, làm việc với một số địa phương.
Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, gia đình chính sách, đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội… được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương triển khai kịp thời, thiết thực (chuyển quà Tết đến hơn 2 triệu người có công với tổng số tiền 431 tỷ đồng; cấp phát trên 14.000 tấn gạo cứu đói cho gần 300.000 hộ; các địa phương đã trích ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào nhân dịp Tết). Nhiều tổ chức, cá nhân đã có những nghĩa cử tốt đẹp giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn (tổng số tiền ước tính 400 tỷ đồng).
Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin truyền thông được tổ chức rộng khắp, phong phú, đáp ứng là “món ăn” tinh thần trong những ngày nghỉ Tết. Đây là năm đầu tiên không tổ chức bắn pháo hoa tại các địa phương nhưng có nhiều hoạt động lành mạnh "bù đắp" tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện tốt; bệnh viện tổ chức trực 24/24; làm tốt công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không xảy ra vụ việc ngộ độc thực phẩm.
Thị trường hàng hóa Tết khá phong phú, bảo đảm chất lượng với giá cả ổn định; hàng Việt chiếm tỷ trọng cao; công tác chống buôn lậu được triển khai mạnh mẽ. Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, cung ứng tiền mặt trước, trong và sau Tết được bảo đảm.
Tình hình sản xuất kinh doanh được duy trì; các ngành dịch vụ, điện, nước, giao thông hoạt động ổn định, bảo đảm phục vụ tốt nhân dân trong dịp Tết. Nhiều địa phương đã tranh thủ thời tiết thuận lợi để tổ chức sản xuất, canh tác theo mùa vụ, thậm chí ngay từ mùng 3, mùng 4 Tết..
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; an ninh biên giới, vùng trời, vùng biển được giữ vững; số vụ cháy nổ giảm mạnh; đẩy mạnh tấn công, trấn áp tội phạm (số vụ phạm pháp hình sự giảm 7,63% so với cùng kỳ).
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao các bộ, cơ quan, địa phương cùng các lực lượng chức năng đã phối hợp chặt chẽ, nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ đạo Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giảm hẳn việc các địa phương về Thủ đô chúc Tết bộ, ngành Trung ương, tập trung phục vụ nhân dân đón Tết cổ truyền trong không khí đầm ấm, vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm hơn.