Chính phủ Mỹ khó tránh kịch bản tồi tệ vào cuối tuần này

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -  Do sự phản đối của một nhóm các nghị sĩ đảng Cộng hòa, dự luật cấp ngân sách tạm thời đến ngày 31/10 đã không được Hạ viện Mỹ thông qua. Điều này khiến chính phủ Mỹ khó tránh bị đóng cửa vào ngày 1/10 tới.

Dự luật ngân sách tạm thời cho Chính phủ Mỹ hoạt động đến ngày 31/10 không được Hạ viện thông qua trong cuộc bỏ phiếu ngày 29/9. Ảnh: CBS
Dự luật ngân sách tạm thời cho Chính phủ Mỹ hoạt động đến ngày 31/10 không được Hạ viện thông qua trong cuộc bỏ phiếu ngày 29/9. Ảnh: CBS

Ngày 29/9, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu đối với dự luật cấp ngân sách tạm thời cho chính phủ trong vòng 30 ngày. Tuy nhiên, do một số nghị sĩ đảng Cộng hòa có đường lối cứng rắn phản đối, dự luật này đã không được thông qua.

Dự luật do Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đề xuất sẽ cắt giảm ngân sách liên bang, áp đặt các biện pháp hạn chế nhập cư và thắt chặt an ninh biên giới.  

Tuy nhiên, ngay cả khi được Hạ viện thông qua, dự luật này cũng khó có thể vượt qua được cửa Thượng viện nơi đảng Dân chủ đang nắm quyền kiểm soát.

Trong khi đó, Thượng viện Mỹ cũng đang thảo luận về một dự luật tạm thời cho chính phủ đến ngày 17/11 tới, song hiện chưa có thời điểm bỏ phiếu.

Theo Reuters, trước đó, hồi tháng 6, Chủ tịch Hạ viện McCarthy và Tổng thống Joe Biden đã đồng ý một thỏa thuận sẽ giới hạn ngân sách liên bang ở mức 1,59 nghìn tỷ USD trong năm tài chính 2024.

Tuy nhiên, một nhóm nghị sĩ đảng Cộng hòa cực hữu như nghị sĩ Matt Gaetz tại bang Gaetz cho rằng dự luật này cần cắt giảm thêm 120 tỷ USD, cùng với các hành động cứng rắn hơn nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư tại biên giới với Mexico.

Các nhà lập pháp không xem xét cắt giảm các chương trình phúc lợi phổ biến như An sinh xã hội và Medicare, vốn chiếm phần tương đối nhỏ trong ngân sách 6,4 nghìn tỷ USD dành cho Chính phủ Mỹ trong năm tài chính tới.

Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy các nhà lập pháp lưỡng đảng sẽ thỏa hiệp để phê duyệt gói ngân sách tạm thời chính phủ hoạt động từ ngày 1/10 tới.

Với bế tắc hiện nay, chính phủ Mỹ khó có khả năng tránh khỏi bị đóng cửa sau ngày 30/9 do không còn kinh phí hoạt động.

Kịch bản tồi tệ này đồng nghĩa, tất cả các công viên tại Mỹ sẽ đóng cửa, Ủy ban Chứng khoán sẽ dừng hoạt động và việc trả lương cho 4 triệu nhân viên liên bang đảm trách các công việc thiết yếu sẽ bị gián đoạn.

Tổng thống Biden cảnh báo rằng việc chính phủ đóng cửa có thể gây thiệt hại nặng nề cho các lực lượng vũ trang Mỹ.

“Chúng ta không thể chơi trò chính trị trong khi lại làm ảnh hưởng đến các lực lượng quân đội” - ông Biden phát biểu tại lễ nghỉ hưu của tướng hàng đầu Mỹ Mark Milley hôm 29/9.

Nhà Trắng cũng lên án việc phản đối thông qua dự luật ngân sách tạm thời của một nhóm các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Hạ viện.

Theo thông báo của Nhà Trắng, ông Biden sẽ tiếp tục “đối thoại với các nghị sĩ trong những ngày tới", nhưng khẳng định không thay đổi những nội dung chính đã được thống nhất trước đó.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ hôm 29/9 nói rằng việc chính phủ đóng cửa sẽ "làm suy yếu" thành tích của kinh tế của Mỹ do đình trệ các chương trình dành cho doanh nghiệp nhỏ và trẻ em, đồng thời có thể trì hoãn những cải tiến lớn về cơ sở hạ tầng.

Nếu viễn cảnh tồi tệ này xảy ra, đây là lần đóng cửa thứ 4 của Chính phủ Mỹ trong thập kỷ qua và chỉ bốn tháng sau khi xảy ra tình trạng bế tắc tương tự khiến chính phủ liên bang đối mặt nguy cơ vỡ nợ công 31 nghìn tỷ USD.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s và Fitch trước đó đã cảnh báo mức độ tín nhiệm của Chính phủ Mỹ sẽ chịu tác động tiêu cực nếu phải đóng cửa.

Ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs ước tính, tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý IV/2023 sẽ giảm 0,2% mỗi tuần nếu tình trạng đóng cửa chính phủ kéo dài.