Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính phủ Mỹ lại đối mặt nguy cơ đóng cửa

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, Dự luật cấp kinh phí chi tiêu tạm thời cho hoạt động của chính phủ liên bang (CR) đã không nhận đủ số phiếu ủng hộ cần thiết Thượng viện Mỹ.

 Điện Capitol của Quốc hội Mỹ.

Mới đây, Dự luật cấp kinh phí chi tiêu tạm thời cho hoạt động của chính phủ liên bang (CR) đã không nhận đủ số phiếu ủng hộ cần thiết với 45 phiếu thuận và 60 phiếu chống để tiếp tục được thúc đẩy tại Thượng viện Mỹ. Dự luật trên vấp phải sự phản đối của các Thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa vì văn bản luật này loại bỏ gói viện trợ trị giá 220 triệu USD để xử lý cuộc khủng hoảng nước sinh hoạt tại TP Flint thuộc tiểu bang Michigan. Động thái trên khiến chính phủ Mỹ một lần nữa rơi vào nguy cơ “đóng cửa” tương tự hồi tháng 10/2013. Thời điểm đó, cơ quan Bộ Quốc phòng Mỹ đã phải tạm dừng các hoạt động huấn luyện quân sự, nhiều chuyên gia tình báo phải về nước và nhiều hoạt động khác bị gián đoạn, đình chỉ.

Trong khi các nghị sĩ đảng Cộng hòa cho biết sẽ xem xét vấn đề cấp viện trợ cho TP Flint, thì một số nhà lãnh đạo Thượng viện cam kết sẽ tìm những hướng đi khác để chính phủ liên bang thoát khỏi nguy cơ “đóng cửa” vì thâm hụt ngân sách. Nếu trước nửa đêm 30/9, Quốc hội do phe Cộng hòa kiểm soát không thông qua một dự luật cấp kinh phí tạm thời cho chính phủ liên bang tới ngày 9/12, một “kịch bản” thậm chí tồi tệ hơn được tính tới nếu chính phủ Mỹ “đóng cửa” một lần nữa tái diễn trong năm 2016.

Các chuyên gia cho rằng, nguy cơ này có thể gây ra một “cú sốc” mới trên thị trường tài chính, đánh tụt xếp hạng tín nhiệm và khả năng thanh toán của các DN… Đặc biệt, vấn đề này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra trong vòng 40 ngày nữa, bởi cả hai ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng đều chưa đưa ra một kế hoạch cụ thể nào nhằm kiềm chế thâm hụt ngân sách của chính phủ liên bang. Nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại về khả năng tác động tới sự tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới, nếu không sớm có giải pháp thiết thực đối với tình trạng thâm hụt ngân sách hiện nay. Như vậy, dù ai dành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng thì người kế nhiệm ông Obama sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ cân bằng ngân sách, nhằm giảm thiểu nguy cơ của một cuộc khủng hoảng nợ có thể làm suy giảm sức mạnh của siêu cường kinh tế lớn nhất thế giới.