Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được Đảng, Nhà nước và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Nhiều cơ chế, chính sách đã được các cấp ban hành, tạo đà phát triển, đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và giữ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ ra nhiều hạn chế cần tập trung khắc phục. Đơn cử như quy mô sản xuất nông nghiệp nhìn chung vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún; công nghiệp chế biến chậm phát triển; chưa chủ động được nguyên liệu đầu vào; thị trường tiêu thụ vẫn bị phụ thuộc vào một số quốc gia. Thu nhập của bộ phận lớn người nông dân còn thấp, chênh lệch nhiều với cư dân đô thị…
Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, liên kết chuỗi với sự tham gia của nhiều nhà là yếu tố hết sức quan trọng. Tuy nhiên, nhà doanh nghiệp thì không thể liên kết với từng nhà nông dân; do đó thời gian tới, Nhà nước cần thúc đẩy kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển để làm cầu nối liên kết.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đánh giá vai trò quan trọng của chuyển đổi số, coi đây là mục tiêu nhiệm vụ nhằm hướng đến tri thức hoá nông dân. Chính vì vậy, Thủ tướng đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cụ thể hoá chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về chuyển đổi số. Đồng thời đề nghị mỗi người nông dân cũng cần chủ động trong việc tiếp cận, ứng dụng khoa học - công nghệ vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh.
Đối với vấn đề xuất khẩu nông sản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ ngành, địa phương phải bắt tay giải quyết triệt để tình thế trước mắt, nhưng có tính đến định hướng lâu dài. Nghiên cứu, đánh giá tình hình thực tế dịch bệnh, thiên tai và thị trường để điều tiết sản xuất nông nghiệp đi vào đúng trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả cao.
Để làm chủ nguồn giống, vật tư nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ cho rằng cần có cơ chế phù hợp để chủ động được hoạt động sản xuất trong nước, trên cơ sở tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, tài nguyên của đất nước; tiến tới bảo đảm nguồn cung giống cây trồng, vật nuôi và vật tư nông nghiệp phục vụ nông dân.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng đề nghị các bộ ngành, mỗi địa phương cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn vai trò trụ đỡ của nông nghiệp, nông dân đối với sự phát triển của đất nước, hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với đa dạng chuỗi cung ứng.
Để đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Đảng, Nhà nước và Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành các nghị quyết hỗ trợ, khuyến khích dành cho nông dân; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh công nghiệp hóa nông thôn, hiện đại hoá đất nước.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; Khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử. Nâng cao năng lực dự báo thị trường để tránh tình trạng “được mùa mất giá” và gia tăng giá trị kinh tế nông nghiệp…
“Các bộ ngành, địa phương, nhất là Hội nông dân các cấp cần sâu sát với hội viên cơ sở, lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng để kịp thời hỗ trợ, định hướng nông dân sản xuất, kinh doanh, hướng tới phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững…” - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, thông qua các cuộc đối thoại giữa người đứng đầu Chính phủ với nông dân, nhiều vấn đề của nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được đưa ra thảo luận, mổ xẻ. Thực tế từ 3 cuộc đối thoại đã diễn ra trước đây cho thấy, nhiều vấn đề nông dân, các tổ chức, DN, hợp tác xã và cả nhà khoa học quan tâm đã được tháo gỡ kịp thời, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, nâng cao vai trò và vị thế của người nông dân.
Tử thực tiễn đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải tổ chức đối thoại với nông dân trên địa bàn. Trên cơ sở đó, nắm bắt được vấn đề nảy sinh trên thực tế sản xuất, kinh doanh của người nông dân. Từ đó, có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tiếp sức bà con phát triển nông nghiệp bền vững.