KTĐT - Ngày 9/11, phát biểu trước báo giới, ông Panitan Wattanayagorn, quyền phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan cho biết, Chính phủ nước này sẽ không buộc hồi hương 20.000 người Myanmar vừa lánh nạn sang lãnh thổ Thái tránh các cuộc giao tranh giữa quân đội Chính phủ và lực lượng nổi loạn người dân tộc thiểu số Karen.
Chính phủ Thái Lan sẽ không buộc hồi hương 20.000 người Myanmar vừa lánh nạn sang Thái tránh các cuộc giao tranh giữa quân đội Chính phủ và lực lượng nổi loạn người dân tộc thiểu số Karen.
Ngày 9/11, phát biểu trước báo giới, ông Panitan Wattanayagorn, quyền phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan cho biết, Chính phủ nước này sẽ không buộc hồi hương 20.000 người Myanmar vừa lánh nạn sang lãnh thổ Thái tránh các cuộc giao tranh giữa quân đội Chính phủ và lực lượng nổi loạn người dân tộc thiểu số Karen.
Trước đó, ngày 8/11, chỉ 1 ngày sau cuộc tổng tuyển cử ở Myanmar, dọc khu vực biên giới Myanmar – Thái Lan đã diễn ra các cuộc giao tranh dữ dội giữa quân đội Myanmar và nhóm nổi dậy thuộc lực lượng Quân đội Phật giáo Dân chủ Karen (DKBA).
Ước tính có khoảng 20.000 người dân Myanmar ở khu vực này phải sang lánh nạn ở lãnh thổ Thái Lan láng giềng. Chính phủ Thái Lan đã dựng nhiều trại tạm cho số này.
Tư lệnh tối cao quân đội Thái Lan, tướng Songkitti Jaggabatara cho biết, trại do quan chức hữu quan của Thái Lan và Hội Chữ thập đỏ Quốc tế quản lý. Đây chỉ là trại tạm không phải trại tị nạn lâu dài. Tướng Songkitti bác bỏ khả năng cho Cao uỷ Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) tham gia quản lý các trại này.
Đến trưa ngày 9/11, giao tranh tiếp tục diễn ra ở khu vực biên giới Myanmar giáp tỉnh Kanchanaburi của Thái Lan. Giao tranh đã buộc khoảng 1.000 người dân Myanmar phải quay lại lánh nạn trên đất Thái Lan./.