Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính quyền cơ sở phải vào cuộc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 2/11, Hội Xây dựng Hà Nội và Sở Xây dựng đã phối hợp tổ chức tọa đàm "Quản lý chung cư cao tầng - thực trạng và giải pháp". Các ý kiến trao đổi cho thấy, nhiều quy định liên quan đến quản lý chung cư còn chưa phù hợp với thực tế.

Thay đổi cách ứng xử

TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng không đồng tình với quan điểm giao chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý chung cư như hiện nay. Theo ông Liêm, quận, huyện phải chịu trách nhiệm về quản lý chung cư và UBND TP Hà Nội cần có chỉ thị về vấn đề này. Bên cạnh đó, cần phải có thêm các giải pháp khác như có các mẫu hợp đồng, sổ tay chung cư để dân dễ hiểu; Tạo điều kiện phát triển các công ty quản lý, thành lập hiệp hội; Ban quản lý chung cư, đại diện cho dân phải tham gia những khóa học về quản lý… "Lắm khiếu kiện vì cơ quan quản lý chưa nắm được nguyên lý. Nguyên lý đầu tiên đó là chủ tài sản phải có quyền và trách nhiệm quản lý tài sản của mình" - ông Liêm phân tích.

Chính quyền cơ sở phải vào cuộc - Ảnh 1

Để quản lý chung cư, chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý khu chung cư. Ảnh: Quỳnh Anh

Ông Đỗ Xuân Anh, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng đánh giá, quy định đã ban hành đang đi đúng hướng, không khác biệt với những nguyên lý căn bản nhưng thực tế lại chưa đi vào cuộc sống. Nhiều chủ đầu tư nước ngoài đã áp dụng các điều khoản rất chặt chẽ nhưng vẫn bất ổn vì ứng xử của người dân trong quá trình sử dụng. Khi bàn giao nhà xong, người dân sửa chữa tùm lum, quản lý không xuể, xử lý không dễ dàng. "Cần phải thay đổi cách ứng xử trong chung cư" - ông Đỗ Xuân Anh nói.

Không chỉ chung cư thương mại, những chung cư trong chương trình phát triển nhà ở xã hội cũng đã phát sinh những vấn đề rất phức tạp. Ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà ở, Sở Xây dựng cho biết, qua những vụ việc mua - bán, chuyển nhượng nhà ở xã hội tại dự án Ngô Thì Nhậm, Việt Hưng cho thấy có lỗ hổng trong quản lý. Các thông tư, quy định của Bộ Xây dựng mới đề cập đến điều kiện mua, thuê nhà nhưng sau đó trách nhiệm của ai lại chưa rõ. Ai sẽ là người quản suốt 10 năm để đảm bảo nhà ở xã hội được sử dụng đúng mục đích. Trình tự, thủ tục xử lý, cưỡng chế thu hồi với các trường hợp bán, cho ở nhờ, cho thuê nhà ở xã hội ra sao ?

Nhiều băn khoăn

Tại buổi tọa đàm, ông Cao Tiến Đạt, Giám đốc Công ty Xây dựng số 5 cho rằng, Ban quản trị cần phải có đủ phẩm chất, xây dựng được kế hoạch quản lý, sửa chữa cả vòng đời của nhà. Tư cách pháp nhân của Ban quản trị phải làm cho rõ. Hiện nay, khi xảy ra những vấn đề phức tạp, chủ đầu tư vẫn phải "gánh", trong khi Ban quản trị chỉ lo phân định sở hữu chung riêng, lo mặc cả phí sao cho rẻ.

Giám đốc Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội Nguyễn Đức Sơn lại bày tỏ lo lắng về quỹ bảo trì của chung cư. Tại TP. HCM đã có Ban quản trị ôm mấy chục tỷ tiền bảo trì trốn mất. "Chính quyền phải quản quỹ bảo trì chung cư" - ông Sơn đề xuất. Về mối quan hệ với chính quyền địa phương, ông Sơn cho biết, trên thực tế, phường, quận không phối hợp với cơ quan lý nhà trong công tác quản lý chung cư như ngăn chặn việc cơi nới, xây "chuồng cọp". Chỉ đến khi sai phạm quá lớn, thành phố có ý kiến, phường, quận mới tham gia.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng, để giải quyết mẫu thuẫn trong các chung cư, quan trọng là phải công khai để dân biết mọi khoản thu, chi; phải thỏa thuận ngay từ đầu về diện tích chung, riêng. Vì còn nhiều chủ đầu tư thiếu minh bạch nên dù chủ đầu tư có phải bù lỗ cho việc quản lý, vận hành, người dân vẫn không tin.

Trong năm 2013, quy định liên quan đến nhà chung cư sẽ được xem xét, sửa đổi khi Bộ Xây dựng nghiên cứu điều chỉnh một số quy định của Luật Nhà ở. Dự kiến, sẽ không giao cho ban quản trị quản lý quỹ bảo trì. Chính quyền địa phương sẽ phải quản vì giá trị của quỹ này rất lớn.

Ông Nguyễn Mạnh Hà Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng