Báo Kinh tế & Đô thị đã có bài "Hàng ngàn người dân bị hun khói", phản ánh việc xưởng nấu sắt nhà ông Nguyễn Khắc Hồng và các cơ sở sản xuất ở khu Bến Dốc, thôn Hữu Lê, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người dân phường Kiến Hưng, quận Hà Đông. Tuy nhiên, đến nay các cơ sở sản xuất này đã chuyển hoạt động từ ban ngày về ban đêm thách thức công luận.
Nhà, xưởng sản xuất của Công ty TNHH Phương Anh tại khu Bến Dốc đã và đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
|
Mặc dù, chính quyền các cấp huyện Thanh Trì đã vào cuộc tuyên truyền, vận động, nhưng các cơ sở sản xuất ở khu Bến Dốc vẫn tiếp tục hoạt động. Cụ thể, từ 19 giờ hàng ngày đến 6 giờ sáng hôm sau, xưởng nấu sắt của ông Hồng; xưởng tái chế nhựa, kim loại của Công ty TNHH Phương Anh và các cơ sở sản xuất tái chế nhựa và bao bì ở khu Bến Dốc… bắt đầu hoạt động. Toàn bộ nước thải không qua xử lý trong quá trình sản xuất được xả ra bên ngoài bằng những đường ống ngầm, gây ô nhiễm cho dòng sông Nhuệ. Bên cạnh đó, khói, bụi và mùi khét của các cơ sở sản xuất bao trùm khu vực làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân liền kề ở tổ dân phố 16, phường Kiến Hưng và chung cư CT6 A, B, C, D Khu đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông. Nhiều gia đình phải ứng phó với ô nhiễm bằng cách đeo khẩu trang, đóng kín cửa nhà hoặc phải sơ tán đi nơi khác tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. Thậm chí, để thuận tiện cho ô tô ra, vào các cơ sở sản xuất, cuối tháng 3 vừa qua, 12 hộ ở khu Bến Dốc còn đổ bê tông đường giao thông dài gần 400m, rộng 5m, nhưng UBND xã không có biện pháp xử lý, khiến dư luận cho rằng, có sự bao che của chính quyền(?).
Phó Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng Đặng Trần Đức cho biết, việc các xưởng sản xuất tại Bến Dốc gây ô nhiễm môi trường khiến không chỉ người dân bức xúc mà cán bộ UBND phường cũng bất bình. Mặc dù, UBND phường đã nhiều lần đề nghị UBND xã Hữu Hòa và UBND huyện Thanh Trì giải quyết dứt điểm vấn đề này, nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được xử lý. Gần đây, một số người dân có đơn kiến nghị gửi các cấp, các ngành phản ánh sự việc đã bị một số đối tượng lạ mặt đến nhà đe dọa. "Thời gian tới, nếu các cơ quan chức năng huyện Thanh Trì không giải quyết dứt điểm vụ việc, UBND phường sẽ kiến nghị lên UBND TP" - ông Đức nói.
Chủ tịch UBND xã Hữu Hòa Tưởng Văn Chúc thừa nhận, những vi phạm này xuất phát từ việc hợp tác xã nông nghiệp và UBND xã cho xã viên thuê thầu 2ha đất khu Bến Dốc từ năm 1990 để trồng cây, sau đó, một số hộ cho thuê lại hoặc bán cho người ngoài địa phương. Đến nay, có 12 cơ sở sản xuất đã, đang hoạt động gây ảnh hưởng đến người dân phường Kiến Hưng là đúng. Sau nhiều lần tuyên truyền, vận động, cuối tháng 6 vừa qua, xưởng nấu sắt của ông Hồng đã dừng hoạt động; còn việc gây ô nhiễm của Công ty TNHH Phương Anh, chúng tôi sẽ báo cáo và phối hợp với UBND huyện kiểm tra, xử lý dứt điểm. Tuy nhiên, ông Chúc vẫn bao biện: “Việc các hộ đổ bê tông trên nền đường cũ, UBND xã không nắm được ngay từ đầu. Sau khi phát hiện, UBND xã yêu cầu các hộ tháo dỡ công trình vi phạm, nhưng vì nhiều lý do nên đến nay chưa thực hiện xong. Thời gian tới, UBND xã tiếp tục yêu cầu các hộ tháo dỡ toàn bộ công trình như theo cam kết”.
Trưởng phòng TN&MT huyện Thanh Trì Trần Văn Chung cho biết, trong khi chờ Sở TN&MT, Sở Tư pháp và Sở Xây dựng thống nhất hướng xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng ở khu Bến Dốc, UBND huyện đã yêu cầu các hộ dừng hoạt động, tránh gây ô nhiễm môi trường cho người dân và sông Nhuệ. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian, các cơ sở sản xuất lại tái phạm và đưa ra lý do khó khăn cho việc sản xuất vì không có cụm, điểm công nghiệp làng nghề. "Chúng tôi sẽ đề xuất với UBND huyện thành lập tổ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý dứt điểm những vi phạm ở khu Bến Dốc để đảm bảo môi trường. Nếu các hộ cố tình tái phạm, UBND huyện sẽ ra quyết định đình chỉ hoạt động của các cơ sở sản xuất ở đây" - ông Chung khẳng định.
Đề nghị UBND huyện Thanh Trì vào cuộc quyết liệt, xử lý dứt điểm tình trạng gây ô nhiễm của các cơ sở sản xuất khu Bến Dốc.